Theo Live Science, hồ nước muối biển sâu có độ mặn cực cao hoặc siêu kiềm, hình thành ở đáy biển và là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất Trái Đất. Chắc chắn nó không phải là nơi được đánh giá là phù hợp với sự sống, vì có hóa học kỳ lạ và hoàn toàn thiếu oxy.
Thế nhưng nhiều vi sinh vật đã gây sốc cho các nhà khoa học vì không chỉ sống được mà còn phát triển dày đặc, mạnh mẽ trong điều kiện khắc nghiệt đó.
Một hồ nước muối sâu dưới đáy Biển Đỏ - Ảnh: Ocean X
Các nhà khoa học tin rằng chính những dạng sống không thể tưởng tượng nổi này có thể cung cấp hiểu biết sâu sắc về cách cuộc sống trên Trái Đất, và thậm chí là cuộc sống ngoài hành tinh, được bắt đầu và phát triển.
"Hiểu biết hiện tại của chúng tôi là sự sống bắt nguồn trên Trái Đất là từ đáy biển sâu, gần như chắc chắn trong điều kiện thiếu oxy - không có oxy" - giáo sư Sam Purkis, Chủ nhiệm Khoa Khoa học Địa chất biển tại Đại học Miami - Mỹ, tác giả chính của ngiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng nơi có thể coi như "tử địa" của Trái Đất ngày nay lại tái hiện một cách gần như hoàn hảo môi trường của Trái Đất sơ khai, và chứng minh rằng với kiểu môi trường kỳ dị này, vẫn sẽ có những loài ưa thích cho dù hành tinh có trải qua hàng tỉ năm tiến hóa.
Chúng sống trong các hồ nước muối biển sâu ở Biển Đỏ, cũng là nơi sở hữu hạng hồ này nhiều nhất thế giới, được cho là phát sinh từ việc hòa tan các túi khoáng chất lắng đọng trong thế Miocen (khoảng 23 triệu đến 5,3 triệu năm trước), khi mực nước biển thấp hơn ngày nay.
Khu vực tìm thấy các sinh vật kỳ dị là các hồ ở Vịnh Aqaba, phía Bắc Biển Đỏ. Ngoài những vi sinh vật tồn tại ngay bên trong "ốc đảo sự sống" kỳ dị này, còn có những loài săn mồi nhỏ như cá, tôm, lươn chầu chực ngay bên trên vùng nước muối, chờ đợi con mồi đi lạc vào bên trong nước muối và bị choáng hoặc "đột tử", giúp chúng dễ dàng tóm lấy.
Các hồ này còn lưu giữ trầm tích nguyên vẹn từ nhiều sự kiện quan trọng của địa chất Trái Đất. Nhưng quý giá nhất vẫn là chính những vi sinh vật sống trong đó.
"Điều này có thể hướng dẫn việc tìm kiếm sự sống trên các thế giới nước khác trong hệ Mặt Trời của chúng ta, và hơn thế nữa" - giáo sư Purkis nói thêm.
Tuyên bố này đến từ việc các nhà khoa học vũ trụ đã tìm thấy rất nhiều hành tinh, mặt trăng có những điều kiện hỗ trợ sự sống, nhưng không hoàn hảo, còn thiếu một cái gì đó.
Tuy nhiên sự phát hiện ra nhiều sinh vật sống trong cả những điều kiện "không thể sống nổi" trên Trái Đất cho thấy chúng ta nên định nghĩa lại cái gọi là "điều kiện sống".
Chúng ta có thể thích thở oxy, nhưng có những sinh vật Trái Đất thích thở những loại khí được cho là độc hại với chúng ta, hoặc không ưa ánh sáng như chúng ta. Sinh vật ngoài hành tinh cũng có thể mang "chân dung" đó, chứ không phải là người ngoài hành tinh cần oxy, cần thức ăn theo kiểu của người Trái Đất.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Communications Earth and Environment.
Theo Anh Thư/NLD