“Quái thú” bị rao bán ở Việt Nam: Lực cắn gấp 6 lần cá mập

Google News

Loài ngoại lai này có vẻ ngoài hung dữ, nên chúng thường được gọi là "quái thú". Chúng đang bị rao bán tự phát, tràn lan mà chưa được quản lý.

Bài viết dưới đây được TS Vũ Anh Tài - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam gửi đến cho chúng tôi nhằm cảnh báo tình trạng này và đề xuất cần bổ sung Rùa cá sấu vào danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại của Việt Nam.
"Quái vật" ngoại lai có hình thù dữ tợn
Rùa cá sấu có tên khoa học là Macrochelys temminckii, là một trong những loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới hiện nay. Đây là loài ngoại lai, đang bị đe dọa theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Loài này phân bố ban đầu ở vùng Bắc Mỹ, xuất hiện nhiều ở các vùng nước miền Nam Hoa Kỳ. Chúng được tìm thấy từ miền đông của đông Texas đến Florida Panhandle, và phía bắc đến đông nam Kansas, Missouri, miền đông nam Iowa, phía tây Illinois, phía tây Kentucky, và phía tây Tennessee. Do việc buôn bán vật nuôi kỳ lạ và các yếu tố khác loài này đã dần trở nên phổ biến tại các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và mới đây nữa là Việt Nam.
“Quai thu” bi rao ban o Viet Nam: Luc can gap 6 lan ca map
Rùa cá sấu có đầu to, bộ hàm cực khỏe, có gờ nhọn sắc, lực cắn 480 kg/inch2. (Ảnh: Facebook)
Loài rùa này có đầu to, bộ hàm cực khỏe, có gờ nhọn sắc, lực cắn 480 kg/inch2 (gấp khoảng 6 lần những cú cắn của cá mập), có thể cắn vỡ mai nhiều loài rùa khác để làm thức ăn, mai nhiều gai, cùng vẻ hung dữ, nên chúng thường được gọi là "quái thú rùa". Trung bình rùa trưởng thành có thể nặng đến 80 kg và do đó sẽ tiêu thụ rất nhiều thức ăn, mỗi ngày, chúng cũng cần hơn suất ăn trung bình của một người Việt Nam trưởng thành.
Loài này đặt độ tuổi thành thục khi khoảng 12 tuổi. Giao phối xảy ra vào đầu năm. Con cái xây tổ, hai tháng sau nó đẻ vào đó khoảng 10-50 trứng. Giới tính con non phụ thuộc vào nhiệt độ tổ. Thời gian ấp từ 100 tới 140 ngày, và trứng nở vào đầu mùa thu. Tuổi thọ của trung bình có lẽ khoảng 70-100 năm, tương tự với tuổi thọ con người, tuổi sinh sản được cho là đến trên 60 năm. Điều đó cho thấy sức sinh sản của rùa cá sấu rất lớn.
Đề xuất bổ sung rùa cá sấu vào danh mục sinh vật ngoại lai xâm hại của Việt Nam
Theo TTXVN, chiều ngày 19/5/2021, chi cục Thủy sản Bình Định cho biết vừa tiếp nhận một con rùa cá sấu do ngư dân bắt được tại khu vực đầm Thị Nại (thành phố Quy Nhơn). Cũng theo chuyên gia của chi cục, đây là loài ngoại lai và là lần đầu tiên chúng xuất hiện ở Bình Định.
Rùa cá sấu còn có sức ăn lớn, chúng có thể tiêu diệt mọi thứ, từ cá, ếch và rùa nhỏ hơn, cho đến bất kỳ loài động vật có vú dưới nước khác và dễ dàng thích nghi được ở nhiều sinh cảnh từ thủy sinh đến bán ngập nước và nuôi nhốt, nhanh chóng trở thành bá chủ của các sinh cảnh mới như đã và đang xảy ra tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, những nước trước đây nhập hàng loạt con giống loài này để nuôi vừa làm cảnh vừa làm thực phẩm để đáp ứng thị hiếu "thích hàng độc" của người dân Á Đông.
Nhưng do không kiểm soát được và sức sinh sản, khả năng sinh tồn siêu việt, loài này đã vượt ra khỏi các trang trại để xâm hại, tấn công cá hồ, đầm, ao, sông và đồng ruộng ở miền Nam Trung Hoa, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, việc phóng sinh rùa cũng khá phổ biến tại các quốc gia này giúp cho loài rùa này càng có cơ hội phát tán nhanh hơn ra các sinh cảnh tự nhiên.
Tại Việt Nam, hiện không khó để mua được rùa cá sấu từ các khu vực bán sinh vật cảnh, từ thành phố đến nông thôn, từ miền nam đến miền Bắc. Trên mạng xã hội, có hàng nghìn cửa hàng rao bán kèm theo hướng dẫn cách nuôi loài rùa này nhưng lại có rất ít cửa hàng kèm theo những cảnh báo về tác hại không mong muốn khi nuôi chúng như khả năng tấn công người và trẻ em, mang theo dịch bệnh và đặc biệt là khả năng xâm hại môi trường khi thoát khỏi khu vực nuôi nhốt.
“Quai thu” bi rao ban o Viet Nam: Luc can gap 6 lan ca map-Hinh-2
Rùa cá sấu là một trong những loài rùa nước ngọt lớn nhất thế giới hiện nay. (Ảnh: Getty Image)
Theo IUCN, loài này được liệt vào danh sách những loài có nguy cơ bị đe dọa (cấp VU), đồng thời cũng là loài ngoại lai xâm hại ở nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo CITES, rùa cá sấu cũng là loài bị hạn chế buôn bán vì mục đích thương mại (phụ lục III, theo đó, Hoa Kỳ yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại) và đang được đề xuất đưa vào phụ lục I hoặc II để cấm hoặc hạn chế buôn bán vì mục đích thương mại.
Như vậy, có thể nói, việc buôn bán loài này ở Việt Nam hiện nay đã vi phạm các quy định của CITES và cũng rất dễ nhận thấy rằng các sinh vật ngoại lai này không hề được kiểm soát dịch bệnh theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật, Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
Mặc dù vậy, tại Việt Nam, chưa có một quy định, một văn bản pháp lý cụ thể nào liên quan đến việc quản lý, giám sát hay buôn bán loài sinh vật ngoại lai này.
Đứng trước thực trạng buôn bán tràn lan và những hệ quả nặng nề nếu rùa cá sấu phát tán ra môi trường, cần thiết phải có những chế tài về quản lý, buôn bán chúng đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa chúng vào danh sách các loài sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại để các địa phương, ban ngành có cơ sở giám sát, quản lý tốt hơn.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Ts Vũ Anh Tài - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Theo Người Đưa Tin