Ngày 25/6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi làm việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới. Chủ trì cuộc làm việc là Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Buổi làm việc có sự tham dự của 2 Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, đại diện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Công An, đại diện các Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Cục An toàn Thông tin, đại diện của Vụ thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện Tổng cục Thuế.
|
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Khách mời tham dự còn có đại diện các thương hiệu quảng cáo trên nền tảng có nội dung xấu độc như Grab, Shopee, Yamaha Việt Nam, FLC, Trường Hải, Sun Group, các đại lý quảng cáo, công ty luật đại diện pháp lý cho Google và một số doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam.
Không chào đón doanh nghiệp xuyên biên giới làm ăn mà không tuân thủ luật pháp
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra 2 thông điệp quan trọng.
Thứ nhất, Bộ trưởng khẳng định không chào đón các doanh nghiệp nền tảng xuyên biên giới đến làm ăn tại Việt Nam mà không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Thứ 2, các doanh nghiệp Việt Nam nên chọn đúng nền tảng để quảng cáo, vì quảng cáo trên các nền tảng xấu độc chính là hại đất nước.
Nói về việc ngăn chặn các clip xấu độc trên Google, YouTube, Bộ trưởng cho biết số phận đất nước chúng ta, tương lai con cháu chúng ta không thể trong mong vào sự tốt bụng của một doanh nghiệp nào đó, một ai đó. Tương lai của chúng ta phải do chúng ta quyết định. "Tôi kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả bên liên quan, đặc biệt là thượng tôn pháp luật trên không gian mạng. Thượng tôn pháp luật là điều kiện tiên quyết của bất kỳ doanh nghiệp tử tế nào", ông Hùng phát biểu.
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Tôi kêu gọi sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. Các bạn đến đây làm ăn, thu tiền, trở nên giàu có, các bạn cũng phải góp sức cho đất nước này thịnh vượng hơn, ổn định và phát triển hơn".
Ông Hùng gay gắt: "Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới vào đây mà không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, biện pháp kinh tế, biện pháp kỹ thuật để yêu cầu các bạn tuân thủ luật pháp Việt Nam".
Các doanh nghiệp xuyên biên giới kiếm được càng nhiều tiền, người dùng càng nhiều thì trách nhiệm của phải càng lớn hơn, ông Hùng đòi hỏi. Ông cũng cho rằng không thể vì tiền mà quên đi trách nhiệm của mình với bao nhiêu người bị thiệt hại, các quốc gia bị suy yếu.
Mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là giúp đất nước sạch hơn
Cho rằng các doanh nghiệp xuyên biên giới chưa quyết liệt với nội dung xấu độc, Bộ trưởng Hùng phát biểu "Các bạn đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán để đọc dữ liệu khách hàng, hiểu sâu sắc khách hàng nhưng đầu tư không đáng kể vào các thuật toán để ngăn chặn nội dung xấu độc".
Gọi các nội dung xấu độc trên YouTube là "rác", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để quét rác thì mỗi người không được xả rác. Pháp luật phải có quy định đối với người xả rác - là người làm ra các nội dung xấu độc. Doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ quét rác, chặn lọc. Đây là trách nhiệm rất quan trọng của doanh nghiệp nền tảng, không được chối cãi.
Bộ trưởng cho rằng không gian mạng Việt Nam là môi trường sống của chúng ta, của doanh nghiệp nền tảng, nhà quảng cáo, người dùng, báo chí Việt Nam, bởi vậy chúng ta phải chung tay làm sạch môi trường này, phải quét rác mỗi ngày.
"Môi trường này sạch thì thương hiệu các bạn mới sạch, con cháu chúng ta mới an toàn", người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Nhắn gửi thông điệp đến các doanh nghiệp đăng quảng cáo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các doanh nghiệp nền tảng Việt Nam tuân thủ tốt hơn nhiều luật pháp Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp phải mua quảng cáo nhiều hơn trên các nền tảng Việt Nam.
Mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là giúp đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển. Mua quảng cáo trên nền tảng xấu độc là vô hình chung tiếp tay để hại đất nước mình.
"Chúng ta chi tiền cho ai, cái gì, người đó, cái đó phát triển. Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển. Tương lai Việt Nam tốt đẹp hay không là do các doanh nghiệp chi tiền vào đâu. Các bạn hãy cân nhắc hành động của mình", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trên không gian mạng để tạo ra không gian mạng lành mạnh. Thông điệp chính là chúng ta làm được, và phải làm được.
100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong clip xấu độc
Đại diện Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết sau quá trình tự đo kiểm và phối hợp cùng số liệu từ Google, công ty mẹ của YouTube, cơ quan này đã phát hiện 55.000 video có nội dung bạo lực, xấu độc và vi phạm pháp luật, phát tán tin giả.
Một năm gần đây, hai bên đã phối hợp để gỡ bỏ 8.000 video có những nội dung dạng này.
Trong khi đó theo số liệu từ Google, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về việc người sản xuất nội dung YouTube kiếm tiền từ các video xấu độc. Doanh nghiệp này chia sẻ cứ 10 đồng kiếm được từ các video sai phạm, độc hại thì 5,8 đồng đến từ các video có nguồn gốc từ Việt Nam.
Đến ngày 25/6, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông đã phát hiện khoảng 100 nhãn hàng trong nước vi phạm quảng cáo trong các clip xấu độc.
Bộ đã gửi công văn cảnh báo, yêu cầu giải trình và làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp có clip quảng cáo gắn trên các video xấu độc YouTube. Phần lớn doanh nghiệp cho biết họ cảm thấy bất ngờ vì tình trạng này tái diễn. Doanh nghiệp đã dừng để rà soát lại hoạt động quảng cáo trên YouTube, thông qua đại lý quảng cáo.
Theo Zing.vn