Xem ra, sự xuất hiện của loài thanh xà cực hiếm này đã phá vỡ sự yên bình ở chốn thâm cung bí sử Thiên Cấm Sơn và khuấy đảo thế giới “ảo” vốn dĩ chưa bao giờ lặng sóng. Hơn thế nữa, những anh hùng bàn phím “lộ diện” nhiều hơn và làm mưa làm gió trên diễn đàn “chuyện phiếm” ở mọi lúc, mọi nơi.
Thiên nhiên quả là quá đỗi diệu kỳ mà từ khi khai sinh lập địa qua hàng tỷ tỷ năm con người vẫn chưa khám phá ra hết. Rắn hổ mây là điển hình !
Rất rất nhiều người đã từng nghe và cũng không ít người tự dựng mình là nhân chứng “mắt thấy – tai nghe” về Rắn hổ mây bay trên đọt cây, phì phò phun hơi, đi mây về gió v.v… Và trước khi một doanh nghiệp ở An Giang có cơ may bắt được thì “thần rắn” này vẫn còn là giai thoại được truyền miệng qua nhiều đời mà không có bất kỳ hình ảnh thật của nó. Ngay cả “Mít tơ Gu – gồ” cũng phải bó tay. Chẳng những thế, các cơ quan chức năng ít nhiều lại khá lúng túng để đưa ra bằng chứng chính xác về loài rắn cực hiếm này.
Cặp hổ mây bằng xương bằng thịt bất thình lình " đi dạo " trên công trường thành phố điện mặt trời Bảy núi của một Tập đoàn thì mới nên chuyện.
Mỗi người bình thường sẽ làm gì khi có một con rắn hữu duyên vô cớ bò vô nhà bạn đang xây? Phản xạ tự nhiên nhất sẽ là “đập chết không khoan nhượng” để tránh hậu quả.
Hoặc là phải bắt cho bằng được chế biến thành món ăn phàm thực để tung hê với cả làng biết được chiến tích “khoái khẩu rắn”.
Có người cao tay hơn đó là “chôn sống” trong bình ngập rượu mặc cho nó cố sức vùng vẫy, quằn quại với ánh mắt vừa cầu cứu một cách tuyệt vọng vừa tóe lên sự oán hờn, căm phẫn trước sự hả hê của tay săn bất đắc dĩ. Nọc độc, thịt xương và các chất tinh túy khác của loài rắn cực hiếm này sẽ được tan dần vào rượu để trở thành thần dược mang lại sự sung mãn cho cá nhân.
Cam đoan với các bạn rằng 90% sẽ triệu like từ cộng đồng mạng cổ xúy cho chiến lợi phẩm này. Duy chỉ có 10% thể hiện cái TÂM của mình đó là xót xa, luyến tiếc và thở dài “lẽ ra phải đem nó vô Trại rắn Đồng Tâm” để nuôi dưỡng như một số ít “nhà báo” đang rần rần hiến kế.
Miệng ai người ấy nói
Mép ai người nấy khua
Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.
Ông bà ta đã nói quả là không sai tí tẹo nào.
Ấy vậy mà có người lại làm khác đi, hành động trái với hành xử của đám đông. Đó là họ đưa về nâng niu, bảo quản, chăm sóc cẩn thận. Họ không giấu, không che đậy thậm chí giới thiệu cho bàn dân thiên hạ được “chiêm ngưỡng” báu vật của Núi Ông Cấm mà trước nay chỉ nghe đồn thổi.
Rắn hổ mây đã hiện nguyên hình để trở thành đề tài thêu dệt, phán đoán và mặc sức tung hoành “mua môi” của rất nhiều người và nhanh nhảu luận tội doanh nghiệp. Duy ý chí là ở chỗ đó.
Mấy ngày nay, các cơ quan chức năng cũng đã nhảy vào cuộc và có những phát ngôn ban đầu xác định số phận của 2 con rắn. Bản thân con rắn không muốn ầm ĩ nhưng chúng ta lại đang cố thổi phồng lên bằng mọi sự suy diễn hết sức vớ vẩn. Loài thú quí hiếm, hoang dã cần phải được bảo tồn nhưng xem ra chúng ta chưa hiểu đủ và đúng của “bảo tồn” là gì mà cứ hồn nhiên đến cực đoan để bàn và bàn những phương án hết sức hoang đường.
Được biết, những ngày qua doanh nghiệp này đã nhận được rất nhiều điện thoại của các cá nhân, tổ chức tự xưng là đại diện các giáo phái đòi mua cho bằng được và thậm chí viết tâm thư đòi trả tự do cho 2 con rắn này. Tám loăng quăng tôi thiết nghĩ, “Rắn hổ mây tự chúng tìm đến, đây là cơ duyên cho doanh nghiệp trước hết phải bảo vệ nó bằng mọi giá đó là mệnh lệnh từ lương tri. Khi môi trường sống tự nhiên không còn an toàn, loài thú quí hiếm đang bị săn đuổi tận diệt ráo riết thì đơn vị dang tay che chở là việc cần phải làm. Về đây, nhờ chăm sóc tốt nên 1 con đang lột xác để lớn. Mềm nắn – rắn buông, nếu có ai đó đã ví chúng như Thần rắn thì tôi cho rằng sự xuất hiện của cặp rắn để gặp người thánh thiện là lẽ đương nhiên”.
Theo CAND