Dịch hươu "xác sống" là bệnh suy yếu mạn tính (CWD) có đặc tính phát tác chậm nhưng hết sức nguy hiểm, có thể gây tử vong, ảnh hưởng đến não bộ, tuỷ sống và các tế bào khác ở động vật. Dịch bệnh này đã được ghi nhận xuất hiện tại ít nhất 24 bang của Mỹ kể từ tháng 1.
Cho đến nay, bang Nevada, Mỹ đang phòng tránh lây lan dịch bệnh hươu "xác sống" bằng cách ngăn cấm săn bắn trong mùa này. Các quan chức phụ trách động vật hoang dã có kế hoạch tiếp tục không cho phép săn bắn để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, theo CNN.
Cục Động vật hoang dã Nevada đang kêu gọi các thợ săn đến các trạm lấy mẫu di động để kiểm tra những con hươu họ săn được có nhiễm bệnh CWD hay không.
|
Dịch hươu "zombie" đang hoành hành và đe dọa nước Mỹ. Ảnh: CNN.
|
Cục này đã thiết lập các trạm kiểm tra ngay tại ranh giới với các bang khác. Việc lấy mẫu mất khoảng 5 phút và không ảnh hưởng đến thịt hay gạc của hươu.
Đây là biện pháp mới nhất để bảo vệ động vật hoang dã của Nevada. Vào tháng 5, Thống đốc Steve Sisolak đã thông qua luật cấm các thợ săn mang hươu, nai sừng tấm hoặc xác nai vào bang để ngăn ngừa dịch bệnh.
Hươu "xác sống" có thể trở nên hung dữ và ít sợ con người hơn, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
CDC cho rằng bệnh có thể lây lan qua đường tiếp xúc với dịch của hươu "xác sống" hoặc uống phải nước bị nhiễm dịch.
Từ tháng 8, CDC cảnh báo hươu, nai mắc bệnh xuất hiện ở 227 hạt trên 24 bang, chủ yếu tập trung ở bang Utah, Colorado và Kansas.
Dù nguy cơ lây bệnh sang người thấp, nhưng CDC vẫn cảnh báo các thợ săn rằng họ có thể mắc bệnh.
Động vật sau khi nhiễm bệnh có thể mất hơn một năm mới có thể xuất hiện các triệu chứng. Chúng bao gồm các biểu hiện giống như "xác sống" nên được gán luôn biệt danh này, bao gồm sụt cân nhanh, lờ đờ, mất phương hướng, chảy nước dãi, khát nước trầm trọng, tai rủ xuống, không sợ người và hung dữ...
Vì vậy, CDC khuyến cáo các thợ săn kiểm tra thịt trước khi tiêu thụ và tránh ăn thịt của hươu, nai nhiễm bệnh.
Theo Hà Lan / Zing