Thảm khốc nhất trong lịch sử Trái Đất
Theo tin tức khoa học mới nhất đăng trên website trường Đại học Alberta của Canada ngày 5/8/2021, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy bằng chứng về trận lũ lụt thảm khốc xảy ra cách đây hơn 12.000 năm.
Nước rút mạnh đến mức đã làm cạn kiệt một hồ cổ với tốc độ rút nước của hơn 800 hồ bơi Olympic tiêu chuẩn MỖI GIÂY, có thể đẩy Trái Đất lúc đó đang nóng lên trở lại kỷ Băng hà lạnh giá.
Nhóm nghiên cứu quốc tế - do các nhà khoa học tại Đại học Alberta (Canada) dẫn đầu - ước tính, trận lụt thảm khốc cuốn cạn nước từ hồ băng Agassiz cách đây hơn 12.000 năm đó có thể là trận lụt lớn nhất từng được biết đến trong lịch sử Trái Đất.
Các nhà địa chất từ lâu đã biết đến một hồ cổ ở trung tâm Bắc Mỹ, hồ Glacial Agassiz (hay hồ băng Agassiz), chiếm diện tích 1,5 triệu km vuông của khu vực ngày nay là nam tỉnh Manitoba và trung tâm tỉnh Saskatchewan, cho đến biên giới tỉnh Alberta (3 tỉnh đều thuộc Canada ngày nay).
Hình ảnh về hồ cổ Agassiz. Nguồn: Sheffield University (Anh)
Hồ Agassiz được hình thành cách đây 16.000 năm khi tấm băng Laurentide dày 3.000 mét ở phía bắc Bắc Mỹ tan chảy, tạo ra một con đập tự nhiên ngăn dòng nước băng tan chảy vào Vịnh Hudson (thuộc lãnh thổ Nunavut của Canada).
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của trận lụt có thể là do Trái Đất khi đó ấm lên làm băng tan ồ ạt, chảy xuống hồ băng Agassiz đến quá ngưỡng chứa của hồ nước và con đập tự nhiên.
Dòng chảy "quái vật"
Bằng chứng địa mạo từ phía bắc Alberta cũng cho thấy rằng, nước của hồ Agassiz tràn ra phía tây bắc dọc theo một con đập chính được gọi là Clearwater-Athabasca Spillway, qua khu vực ngày nay gọi là thung lũng Fort McMurray (đông bắc Alberta) đi vào lưu vực sông Mackenzie (dài thứ hai của Bắc Mỹ) trên đường tới Bắc Băng Dương.
Cả quãng đường tràn nước này dài 233km!
Trong phần đầu tiên của nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng bằng chứng trầm tích để ước tính lực của nước, cũng như hơn 100 mặt cắt ngang của thung lũng để ước tính lưu lượng khổng lồ của dòng chảy.
Nhóm nghiên cứu đã tìm ra tốc độ xả nước khủng khiếp của trận lũ lụt - ở mức lớn nhất đạt 2 triệu mét khối nước MỖI GIÂY. Lưu lượng đó gấp khoảng 10 lần lượng xả trung bình của sông Amazon mỗi giây!
Tất cả nói lên rằng: Trận lũ lụt thảm khốc đó đã rút đi khoảng 21.000 km khối nước của hồ Agassiz - tương đương với tổng lượng nước của Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ - chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng.
Paul Carling, đồng tác giả nghiên cứu từ Đại học Southampton, Vương quốc Anh cho biết: "Điều tôi cảm thấy vô cùng hài lòng là với mô hình thủy lực hiện đại, khi được áp dụng cho các bằng chứng trầm tích bảo tồn tại đó, đã cho chúng tôi hình dung bức tranh về một trận lũ lụt kinh hoàng đã lan truyền cách đây 12.000 năm như thế nào".
Mặc dù các nhà khoa học không chắc điều gì đã khiến Trái Đất quay trở lại kỷ Băng hà, nhưng giả thuyết về lũ lụt của hồ Agassiz chắc chắn là hợp lý.
Các nhà khoa học sử dụng bằng chứng trầm tích để ước tính lực của nước, cũng như hơn 100 mặt cắt ngang của thung lũng để ước tính lưu lượng khổng lồ của dòng chảy. Ảnh: Đại học Alberta, Canada.
"Chúng tôi không biết chắc chắn rằng trận lũ lụt gây ra bởi việc hồ Agassiz tràn nước có khiến Trái Đất quay trở lại kỷ Băng hà hay không, nhưng có một điều chắc chắn rằng nếu bạn đổ lượng nước khổng lồ đó (21.000 km khối nước) xuống Bắc Băng Dương, thì các mô hình cho thấy, khí hậu Bắc Bán cầu sẽ mát mẻ hơn nhiều" - Duane Froese, Trưởng ban Nghiên cứu Canada về Thay đổi Môi trường Phương Bắc, thuộc Khoa Trái Đất và Khí quyển (Đại học Alberta) cho biết.
Tiếp theo đây, các nhà nghiên cứu sẽ cố gắng tìm hiểu cũng như tìm kiếm bằng chứng về trận lụt xảy ra đã kích hoạt sự kiện khí hậu Younger Dryas, hay nó chỉ là một phần của các sự kiện khác.
Trước đó, vào tháng 6/2021, một nhóm các nhà nghiên cứu riêng biệt đã nói rằng một tác động vũ trụ, có thể là một tiểu hành tinh, đã va vào Trái Đất và có khả năng gây ra sự thay đổi khí hậu Younger Dryas. Sự thay đổi này có khả năng là 'tác động tàn khốc nhất kể từ khi khủng long tuyệt chủng' và dẫn đến một tiểu Kỷ Băng hà kéo dài hơn 1.000 năm.
Theo Trang Ly/Pháp luật & Bạn đọc