Các nhà khoa học đã phát triển ra AI (Trí thông minh nhân tạo) có thể biết được mọi thứ bạn nghĩ bằng cách đọc các tín hiệu não của bạn.
Nghiên cứu này là bước tiến lớn hướng tới lập thành mối quan hệ thần giao cách cảm giữa con người và robot, có thể dẫn đến việc giải mã các hình ảnh trong tâm trí hoặc thậm chí những giấc mơ.
Trong quá trình thử nghiệm, máy đã có thể vẽ chính xác những gì con người đang nhìn vào trong khi được quét não cộng hưởng từ chức năng MRI.
Nhóm nghiên cứu cho rằng hiện nay, trí tuệ nhân tạo của họ thể hiện chính xác nhất việc đọc suy nghĩ mặc dù vẫn chưa tiết lộ con số chính xác về độ chính xác ấy. Một bản xem trước của kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã được tải lên trực tuyến, nhưng chưa được bình duyệt (peer review) lại.
Trong nghiên cứu, chức năng quét MRI được sử dụng bởi các nhà khoa học để đọc hoạt động não, cho phép họ xem xét những khu vực của não đang hoạt động trong những việc nhất định. AI mới của nhóm nghiên cứu Bắc Kinh được cho đọc hoạt động của não trong vỏ não thị giác - phần liên quan đến thị lực.
Khi con người đọc các ký hiệu và chữ cái, vỏ não thị giác sáng theo các mô hình phức tạp ba chiều. Những mẫu phản ứng của não tương ứng với các ký hiệu nhìn thấy qua mắt, và AI có thể giải mã chúng bằng một thuật toán phức tạp.
Thuật toán dựa trên việc học sâu - một phương pháp được sử dụng để đào tạo các máy tính nhằm đọc các mẫu phức tạp trong dữ liệu.
Nghiên cứu này sử dụng kết quả quét não hàng trăm người khi họ đọc một lá thư viết tay. Các nhà nghiên cứu đã cho ra thuật toán mới với 90% kết quả quét não cùng hình ảnh tương ứng để huấn luyện AI học các tín hiệu não liên quan đến thị lực. Sau đó họ cho AI thấy 10% não được quét còn lại và để nó thể hiện lại những gì nó nghĩ rằng người tham gia nghiên cứu đã nhìn thấy.
Cuối cùng, AI – được biết đến là Deep Generative Multiview Model (DGMM), có thể vẽ chính xác hình ảnh gốc. Các nhà nghiên cứu, đứng đầu là Tiến sĩ Changde Du, viết trong bài báo khoa học: "Nhìn chung, các bức ảnh được DGMM xây dựng lại đã nắm bắt được những đặc điểm cơ bản của những hình ảnh. Đặc biệt, chúng cho thấy các hình thức tái tạo tốt đối với chữ số và các ký tự viết tay”.
Nhóm nghiên cứu thông tin thêm rằng, mặc dù nhiều hình ảnh tái dựng còn tồn tại “nhiễu” - những thay đổi nhỏ so với biểu tượng gốc – nhưng hình dạng chính vẫn có thể phân biệt rõ ràng.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu mới chỉ thử nghiệm các thuật toán sử dụng bộ ký hiệu đơn giản. Giải mã hình ảnh phức tạp hơn sẽ đòi hỏi nhiều công sức hơn. Nhưng họ rất lạc quan rằng AI một ngày nào đó có thể được sử dụng để giải mã video hoặc thậm chí những giấc mơ.
Theo Ly Hồ/Khám phá