Trước đó, Ban Quân y Học viện Hậu cần đã sản xuất và đưa vào sử dụng thuốc sát khuẩn tại tất cả các cơ quan, đơn vị trong Học viện. Tuy nhiên, thuốc sát khuẩn được triển khai dạng chai xịt thủ công cho nhiều người cùng sử dụng nên khó bảo đảm an toàn và mất nhiều thời gian…
Theo thiếu tá Nguyễn Đắc Thắng, máy sát khuẩn hoạt động theo nguyên lý tự động phun dung dịch sát khuẩn dưới dạng phun sương. Khi đưa tay lại gần đầu phun, cảm biến hồng ngoại (IR) sẽ tự động thu thập dữ liệu và xác định khoảng cách giữa tay và đầu phun.
|
Học viên Học viện Hậu cần rửa tay tại máy sát khuẩn tự động Ảnh: N.H
|
Nếu khoảng cách phù hợp, cảm biến sẽ ra lệnh cho khối điều khiển động cơ bơm dung dịch sát khuẩn tới đầu phun và bắn ra lượng dung dịch vừa đủ cho một lần rửa tay. Máy sát khuẩn tự động có thể triển khai rộng rãi ở các đơn vị trong toàn quân hay các khu công nghiệp, nơi tập trung đông người.
Đại tá Đào Văn Thùy, Phó trưởng phòng Khoa học quân sự cho biết, ưu điểm của sáng chế này là có sử dụng các linh kiện điện tử, do đó độ chính xác cao. Nguyên vật liệu để chế tạo rất sẵn có trên thị trường, giá thành hợp lý như bộ đổi nguồn 12V, máy bơm tăng áp, bộ cảm biến hồng ngoại, thùng nhựa đựng dung dịch sát khuẩn, hộp nhựa dùng chế buồng rửa tay, khóa van nước, đầu lọc cặn, ống kẽm.
“Máy lắp đặt nhanh, vừa giúp tiết kiệm dung dịch vừa dễ sử dụng, bảo đảm 6 người sử dụng cùng một lúc, không mất nhiều thời gian chờ đợi khi đông người, đồng thời hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp như khi sử dụng các chai nước sát khuẩn thông thường”, đại tá Thùy nói.
Với sáng chế hữu dụng này, lãnh đạo Học viện Hậu cần đã chỉ đạo triển khai lắp đặt ở các vị trí cần thiết để phục vụ công tác vệ sinh phòng, chống dịch. Hiện Học viện đã chế tạo và lắp đặt được 7 máy, bảo đảm sát khuẩn tay cho gần 3.000 học viên và cán bộ tại đơn vị.
Theo Nhóm PV / Tiền Phong