Theo trang The Space, nguyệt thực toàn phần lần này sẽ bắt đầu vào lúc 19h30 ngày 27/7 giờ quốc tế (UTC), tức 2h30 sáng 28/7 giờ Việt Nam.
Nguyệt thực đạt đỉnh vào lúc 20h22 giờ UTC, tức 3h22 sáng 28/7 giờ Việt Nam và kết thúc vào lúc 4h13 sáng giờ Việt Nam.
Đây là nguyệt thực dài nhất thế kỷ 21 khi thời gian Trái đất che khuất hoàn toàn "chị Hằng" lên đến 1 giờ 43 phút (100 phút), dài hơn 'kỷ lục' ngày 15/6/2011 khoảng 3 phút.
Nếu tính toàn bộ thời gian nguyệt thực xảy ra, sự kiện thiên văn tới đây sẽ kéo dài đến 3 giờ 55 phút.
Theo tiến sĩ Noah Petro của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA, những người yêu thiên văn ở phần lớn khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Á và vùng Ấn Độ Dương có thể chứng kiến nguyệt thực toàn phần lần này.
Trong khi đó, người dân ở miền đông Nam Mỹ và châu Đại Dương cũng có thể theo dõi một phần nguyệt thực.
Mặt trăng đi vào trung tâm vùng bóng tối của Trái đất là nguyên nhân chính tạo nên nguyệt thực dài kỷ lục - Ảnh: SPACE
Chỉ có khu vực Bắc Mỹ là hoàn toàn không thể nhìn thấy nguyệt thực, nhưng họ sẽ có cơ hội này vào ngày 21-1-2019, theo NASA.
|
Ở Việt Nam cũng có thể chiêm ngưỡng hiện tượng này. |
Vì sao nguyệt thực lần này lại dài nhất thế kỷ 21? Tiến sĩ Noah Petro giải thích yếu tố tác động độ dài ngắn của thời gian nguyệt thực toàn phần chính là vị trí của mặt trăng trên quỹ đạo khi đi vào vùng tối của Trái đất.
Lần này, mặt trăng di chuyển ngang khu vực trung tâm vùng bóng tối của Trái đất (umbra), đồng nghĩa với việc thời gian chị Hằng ẩn nấp sau bóng Trái đất dài hơn bình thường.
Đồng thời, tháng 7 tới, Trái đất cũng ở điểm xa nhất so với mặt trời làm bóng của nó lớn hơn và sẽ che mặt trăng lâu hơn, theo trang Science Alert.
Theo Tuổi trẻ