Sắp hết thời gian để cứu Trái đất khỏi thảm họa khủng khiếp

Google News

Chính phủ các nước trên thế giới cần phải hành động “nhanh chóng, lâu dài và tạo ra thay đổi chưa từng có” để giúp tránh khỏi thảm họa toàn cầu.

Theo CNN, đây là thông điệp của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc ngày 8.10.
IPCC nhấn mạnh rằng Trái đất sắp đạt đến ngưỡng tăng thêm 1,5 độ C vào năm 2030. Điều này gây ra hạn hán nghiêm trọng ở nhiều nơi, cháy rừng, lũ lụt và thiếu lương thực trầm trọng đối với hàng triệu người.
Sap het thoi gian de cuu Trai dat khoi tham hoa khung khiep
Mực nước biển dâng cao nhấn chìm nhiều thành phố lớn trên thế giới. 
IPCC đặt cột mốc năm 2030, có nghĩa là điều tồi tệ sẽ xảy đến ngay trong cuộc đời của đa số người trên thế giới. Cột mốc này được đánh giá dựa trên mức khí thải nhà kính hiện nay.
Kể từ thời công nghiệp hóa vào thế kỷ 19, Trái đất đã ấm lên thêm 1 độ C, dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Nếu chúng ta vượt qua ngưỡng 1,5 độ C thì thảm họa xảy đến ở nhiều nơi. Có nơi đặc biệt khô hạn nhưng có nơi khác lại chìm trong ngập lụt”, Andrew King, giảng viên khoa học khí hậu tại Đại học Melbourne nói.
Để kiểm soát mức độ ấm lên toàn cầu, các nhà khoa học đặt ra ngưỡng khí thải CO2 phải giảm 45% vào năm 2030, so với thời điểm năm 2010, và tiệm cận mức 0% vào năm 2050.
Về cơ bản, nhân loại hoàn toàn có thể giảm thiểu lượng khí thải nhà kính, bằng cách thay đổi phương thức sử dụng năng lượng, thay đổi cách thức vận hành công nghiệp và thói quen của người dân ở thành phố lớn.
“Cánh cửa để chúng ta không làm nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1,5 độ C đang dần đóng lại”, ông King nhấn mạnh.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu hiện đã và đang diễn ra bởi con người đã làm ngơ trong số hàng chục năm. “Những gì xảy ra ngày nay là hệ quả của việc Trái đất tăng thêm 1 độ C, với những kiểu thời tiết cực đoan hơn”, Panmao Zhai, quan chức IPCC nói.
Đó là tình trạng nắng nóng kỷ lục ở châu Âu, siêu bão ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên khắp thế giới, hay hạn hán chưa từng có tại châu Phi.
Nếu như không thể giữ cho nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C thì hệ quả sẽ còn sâu rộng và thảm khốc hơn nhiều.
Theo IPCC, sự khác biệt giữa việc Trái đất ấm lên 1,5 độ C và 2 độ C là rất lớn. Cụ thể, mực nước biển giảm 10cm vào năm 2100. Tỷ lệ băng tan ở Bắc Cực chỉ tăng 1% trong một thế kỷ, so với mức 1% một thập kỷ. Và các rạn san hô sẽ chỉ sụt giảm số lượng vào khoảng 70%, so với mức 90% như dự đoán.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt