Siêu Trái Đất 55 Cancri e là một "địa ngục" nằm trong hệ sao 55 Cancri, cách chúng ta 41 năm ánh sáng.
55 Cancri e đã được nhân loại biết đến nhiều năm nay, là một hành tinh đá có đường kính gần gấp đôi và khối lượng gấp 9 lần Trái Đất.
Nhưng đến nay, với khả năng quan sát vượt trội của siêu kính viễn vọng James Webb, các nhà khoa học Mỹ nhận ra đó có thể là một thế giới vô cùng dị thường.
|
Hành tinh 55 Cancri e quay rất gần quanh ngôi sao mẹ nóng bỏng - Ảnh đồ họa: NASA/ESA/CSA/STScl |
55 Cancri e dày đặc đến mức các nhà khoa học suy luận ra rằng thành phần chủ yếu là carbon được nén thành kim cương.
Nhưng đó là một khối kim cương trơ trụi.
Tuy là hành tinh đá giống địa cầu, nhưng gần như 55 Cancri e không có khả năng nuôi dưỡng sự sống do nhiệt độ bề mặt lên tới 2.400 độ C.
Nó nằm cách sao mẹ chỉ 0,01544 lần khoảng cách Trái Đất - Mặt Trời và một năm ở đó chỉ bằng 17 giờ trên Trái Đất.
Điều này cũng dẫn đến việc hành tinh này bị ngôi sao mẹ tước hết bầu khí quyển.
Thế nhưng, phân tích các quan sát mới nhất của James Webb về 55 Cancri e, nhóm khoa học gia từ Viện Công nghệ California (Caltech - Mỹ) nhận thấy hiện tại siêu Trái Đất này lại... có khí quyển.
“Chúng tôi đã đo lượng khí thải nhiệt từ hành tinh đá này và phép đo cho thấy hành tinh này có bầu khí quyển đáng kể. Bầu khí quyển này có lẽ được tạo nên bởi sự thoát khí từ phần bên trong đá của 55 Cancri e" - TS Renyu Hu, đồng tác giả, nói với Space.com.
Như vậy, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học hành tinh tìm thấy dấu hiệu về một "bầu khí quyển thứ cấp".
Đó là cách các nhà khoa học gọi bầu quyển thứ hai được tạo ra khi một hành tinh bị "bóc vỏ" trơ trụi thể hiện khả năng "tái sinh" ngoạn mục, trở lại là hành tinh được bao phủ bởi khí quyển như Trái Đất và đa số các hành tinh khác.
Theo các tác giả, chính bề mặt phủ đầy dung nham của siêu Trái Đất này đã đem lại khả năng "tái sinh".
Các loại khí hòa tan trong đại dương dung nham toàn cầu của 55 Cancri e, liên tục "sủi bọt" để tạo thành bầu khí quyển thứ cấp. Thành phần của bầu khí quyển thứ cấp phụ thuộc vào chất liệu đá bên dưới nó được tạo thành.
"Nếu đá có tính khử rất mạnh, nó cũng có thể tạo ra bầu khí quyển hydro-heli giống như bầu khí quyển sơ cấp. Nhưng nếu đá giống lớp phủ của Trái Đất hơn thì nước, carbon monoxide và carbon dioxide sẽ thống trị bầu khí quyển thứ cấp" - TS Hu cho biết.
Phát hiện này vẫn còn cần một số xác nhận nhưng tất cả đủ để cho thấy siêu Trái Đất này là một thế giới thú vị, hứa hẹn giúp nhân loại hiểu thêm về một loại hành tinh cực đoan, hiếm thấy trong vũ trụ.
Theo Anh Thư/ Người Lao Động