"Soi" loài kỳ giông khổng lồ, có con 2m ở TQ

Google News

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học cho thấy khác với quan điểm từ trước đến nay, có tới 3 loài kỳ giông khổng lồ ở Trung Quốc, và loài lớn nhất có thể dài tới 2 mét.

Theo CNN, một con kỳ giông khổng lồ từng sống tại Vườn thú London và sau này tiêu bản của nó được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, là đại diện của một nhánh mới được phát hiện của kỳ giông. Nó cũng đồng thời là loại lưỡng cư lớn nhất trên Trái Đất.
Phát hiện này là một phần của khám phá lớn hơn về sự đa dạng của giống kỳ giông khổng lồ Trung Quốc, cho rằng thay vì có một loài duy nhất từ trước đến nay thì có tới 3 loại khác nhau sinh sống ở từng phần của đất nước.
Kỳ giông khổng lồ từng sống trên khắp miền Trung, miền Nam và miền Đông Trung Quốc. Loài Andrias davidianus - tên khoa học dành cho loài kỳ giông khổng lồ Trung Quốc từ trước tới nay, đạt chiều dài tối đa 1,2 m và nặng 50 kg. Hiện tại, dân số tự nhiên của loài này đang suy giảm nghiêm trọng do nhu cầu làm thực phẩm và thuốc của người Trung Quốc.
Tiêu bản con kỳ giông khổng lồ Trung Quốc từng sống tại Vườn thú London vào thập niên 1930, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét 17 mẫu vật từ các viện bảo tàng và mẫu mô từ kỳ giông hoang dã. Và họ phát hiện một loài mới - Andria sligoi - kỳ giông khổng lồ nam Trung Quốc - dù cho cá thể này đã chết cách đây 74 năm.
Trong thập niên 1920 và 1930, con kỳ giông này vẫn còn sống tại Sở thú London. Vào thời điểm đó, nó được coi là một cá thể lớn bất thường. Tuy nhiên nghiên cứu mới cho thấy nó khác với các loài kỳ giông khác và đại diện cho loài lưỡng cư lớn nhất thế giới, với chiều dài lên tới 1,9 m.
Nghiên cứu của các nhà khoa học chia kỳ giông khổng lồ Trung Quốc thành 3 loại davidianus, sligoi và một loài khác chưa được đặt tên. Loài thứ 3 chỉ được biết đến từ các mẫu mô. Mỗi loài được phát hiện sinh sống ở lưu vực của một hệ thống sông và dãy núi khác nhau ở Trung Quốc, chúng có những sự khác biệt về mặt di truyền.
Ông Samuel Turvey từ Viện Động vật học London, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết các loài kỳ giông khổng lồ ở Trung Quốc đã phân tách trong khoảng từ 3,1 đến 2,4 triệu năm trước.
Từ lâu, kỳ giông khổng lồ đã được sử dụng như một vị thuốc và thực phẩm bổ dưỡng ở miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên việc này dẫn tới một ngành công nghiệp nuôi nhốt để phục vụ nhu cầu của người dân. Việc nuôi nhốt và khai thác quá mức dẫn đến việc loài này chỉ còn được tìm thấy tại 4 trong số 97 địa điểm trên khắp Trung Quốc.
Theo Quốc Thăng / Zing