"Sởn gai ốc" loạt thú chơi kỳ quặc trên mạng

Google News

Dạo gần đây mạng chia sẻ hình ảnh trực tuyến Instagram đang lâm vào một vụ bê bối khi xảy ra một số người đăng những hình ảnh đầu lâu thật, chúng được trang trí công phu rồi rao bán cho những người đam mê những thứ rùng rợn.
 

Có phải đang có một thị trường đen cho những thứ hàng hóa không được công khai trong xã hội hiện đại? Những tình tiết mới được khám phá khiến hết thảy người ngoài cuộc sững sờ.
Chợ hài cốt trên Instagram
7 năm trước, một cái hộp chứa 12 sọ người cùng một bộ xương linh cẩu đã được chuyển tới trước nhà Henry Scragg ở Essex (Anh). Người làm vườn 28 tuổi này có thói quen sưu tầm và tích trữ những thứ quái đản trong suốt nhiều năm.
Một tuần trước đó, Scragg đã đặt mua hàng trên trang eBay. Chưa từng sở hữu hài cốt người từ trước đó, Scragg đã nhận gói hàng với một chút lo lắng. Nhưng khi cầm cái sọ trên tay, ngay lập tức Scragg đã tỏ ra mê mẩn với vẻ đẹp của cái răng nham nhở và 2 hốc mắt hầm hố, vô hồn. Scragg bắt tay vào sắp xếp các đầu lâu, trang trí lại, rồi chụp ảnh về chúng và đăng trên mạng Instagram kèm hashtags.
Chẳng mấy chốc trang của Scragg tràn ngập nhiều tin nhắn từ những vị khách ngỏ ý muốn mua hài cốt. Người làm vườn nhớ lại: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đăng ảnh để khoe vậy thôi, không trông đợi nhiều. Nhưng rõ ràng là thiên hạ đang mong muốn thứ mà họ không có”.
 Sọ người được trang điểm, chụp ảnh và bán công khai trên mạng chia sẻ hình ảnh Instagram. Ảnh nguồn: National Geographic.
Chỉ trong vòng vài tháng sau đó, Scragg bán được một số “mặt hàng”, và khi tiền tươi đổ về thì nhiều sọ người cũng lên đường. Bây giờ, trang instagram của Scragg có hơn 33.000 lượt theo dõi, đóng vai trò là nút trung tâm của một mạng lưới người bán và người mua hài cốt trên Instagram.
Phần đông người bán và người mua là những nhà sưu tập lập dị, họ cho rằng việc sở hữu hài cốt là hợp pháp. Nhưng những người khác nghĩ rằng hoạt động buôn bán hài cốt trên Instagram không chỉ là dấu hiệu về sự lập dị mà còn rất không bình thường khi sọ người được trang trí rất kinh dị.
Các nhà khảo cổ học và sử gia đã để mắt tới hoạt động mua bán quái đản này trên Instagram và đang lo lắng đến sự phục hồi những ám ảnh đen tối thời thực dân của phương Tây, một số bảo tàng bị đánh cắp hài cốt, và một số người đang tự hỏi liệu bán hàng trực tuyến có làm khơi lại những vết thương chưa lành.
Trước năm 2016, muốn mua hài cốt người chỉ có cách lên eBay. Nhưng sau khi trang này bị cấm buôn bán các bộ phận cơ thể người (ngoại trừ da đầu), thì năm 2016, mạng Instagram đã thế ngôi. Người dùng Instagram chỉ đơn giản sẽ đăng bức ảnh sọ người lên và để phần bình luận bên dưới.
Người dùng quan tâm sẽ để lại tin nhắn trực tiếp, và nếu giá cả được chấp thuận, thanh toán sẽ diễn ra tức thì, hàng hóa được đóng gói và chở đến địa điểm yêu cầu.
Hai nhà khảo cổ học Damien Huffer và Shawn Graham đã khảo sát quy mô của “thị trường bóng râm” (hài cốt) kể từ năm 2013, đã tìm kiếm và phân tích vài ngàn bài đăng quảng cáo hài cốt trên Instagram. Những khám phá của họ đã hé lộ một thị trường bùng nổ: năm 2013, tổng doanh thu bán hàng chỉ là 5.200 USD, nhưng đến năm 2016, doanh thu đã vọt lên 57.000 USD.
Nhưng ông Damien Huffer quả quyết rằng con số thực tế tổng doanh thu có khi còn cao hơn nhiều. Nhiều người bán không thích công khai giá cả - thường họ sẽ trao đổi với khách hàng tiềm năng thông qua tin nhắn – nhưng ông Huffer tìm thấy một số món hàng được bán với mức giá tới 16.000 bảng Anh.
Không giống như các thị trường bất hợp pháp khác trên Instagram như động vật quý, đồ cổ bị cướp, hàng hóa; thị trường hài cốt không bị xem là bất hợp pháp trên trang mạng này.
Ở Anh, xương người không bị xem là “tài sản” theo luật pháp nói chung, điều đó cho phép bất kỳ ai cũng có thể sở hữu nó mà không cần giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Và trong khi việc trưng bày hài cốt đòi hỏi phải có giấy phép từ Ủy ban Mô người (HTA) thì việc chụp ảnh đăng lên mạng lại không cần giấy phép. Ở những nơi khác, cũng đang có những chế tài về buôn bán xương người.
Ở Mỹ, 3 tiểu bang Louisiana, Georgia và Tennessee có các quy định về giới hạn buôn bán và sở hữu hài cốt.
Thế giới bí ẩn của những người sưu tập hài cốt
Theo ý kiến của nhà khảo cổ học Damien Huffer thì luật về thị trường hài cốt vẫn còn mơ hồ. Theo ông Huffer, người buôn bán trên Instagram đã tận dụng lợi thế về kẽ hở luật pháp để thiết lập một tuyến đường thương mại quốc tế với các nút chính ở Anh, Mỹ, Canada và châu Âu.
Một đoạn xương bàn tay được rao bán trên Instagram. Ảnh nguồn: Social News Daily. 
Ông Damien Huffer giải thích: “Trong khi thị trường hài cốt đã tồn tại trước khi có Instagram, nhưng kể từ khi có trang mạng này thì nó đã giúp cho nhiều người nhanh chóng kết nối với nhau cùng chìm đắm trong sở thích rùng rợn này. Instagram biến không thể thành có thể, miễn phí toàn cầu cho bất kỳ ai có nhu cầu”.
Trong khi bán hài cốt trên mạng có thể là hợp pháp (hoặc chí ít mơ hồ về mặt pháp lý) thì vẫn có một thế giới bí mật ngay trong cộng đồng người mê sọ trên Instagram. Những người bị bắt quả tang sở hữu sọ người lại khăng khăng cho rằng họ là “những nhà sưu tập nghệ thuật” hay “người cung cấp lịch sử văn hóa”.
Bà Debbie Reynders, một nhà sưu tập hài cốt người Bỉ, cũng đang điều hành một tài khoản Instagram với 4.000 người theo dõi, cho rằng tâm lý dè dặt của người chơi sọ là xuất phát từ nỗi kỳ thị mà xã hội áp cho họ, họ bị cho là bệnh hoạn.
Bà Reynders than: “Người không mê sọ sẽ nhìn về chúng tôi với kiểu sợ hãi, xa lánh. Nhưng những người chơi sọ lại thật sự tài năng, cởi mở và đáng yêu. Và họ cực kỳ ngại tiếp xúc với cánh nhà báo”.
Giống như người làm vườn Scragg, bà Reynders và ông xã đã bắt đầu thu thập đầu lâu sau khi họ mua chiếc sọ đầu tiên trên mạng.
Bà Reynders giải thích: “Với món này (sọ) không phải là tiền bạc, mà chỉ đơn giản là chúng tôi bán nó để mua về nhiều hơn. Tôi nghĩ người nào có thú chơi này cũng làm y như vậy”. Mạng Instagram không chỉ cho phép các nhà sưu tập tìm ra người bán và người mua mới, mà còn tự tiếp thị hàng hóa của họ, xem nó như một món hàng thời trang hay đồ trang sức.
Không ai sưu tập xương lão luyện bằng Henry Scragg, người làm vườn này có hẳn một bảo tàng hài cốt ngay trong ngôi nhà mình ở Essex.
Về phần mình, bà Reynders cũng bày tỏ niềm kiêu hãnh đối với thú chơi rùng rợn của mình. Bộ sưu tập hài cốt của bà được đặt ngay bên trong một cái rương kính có niên đại từ thế kỷ 16, khi giới quý tộc thường có thói quen sưu tầm “hàng ma quái” trên khắp thế giới để thỏa mãn bộ sưu tập của họ, trong đó không thể thiếu sọ người.
Bà Reynders cũng sưu tập những bộ xương nhỏ xíu mà bà giải thích rằng đó là xương trẻ em từ 13 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi. Bà Reynders bật mí rằng đã chơi hài cốt là phải nhất định là xương thật chứ không dùng xương nhựa nhân tạo hay nhựa cây.
Cũng chẳng thể chứng minh nổi các bộ xương đó thuộc về những ai. Người làm vườn Scragg phải thừa nhận: “Phần đa những bộ hài cốt này đã qua tay nhiều người trong suốt nhiều năm, do đó không thể chứng minh rõ nguồn gốc của chúng”.
Xúc phạm văn hóa?
Phần lớn hài cốt được buôn bán trong và ngoài mạng Instagram là các mẫu vật nha khoa hoặc vật chứng y tế được qua tay các nhà sưu tập suốt nhiều thập niên. Có nhiều ý kiến cho rằng nhiều hài cốt được lấy từ Ấn Độ, quốc gia được xem là trung tâm của buôn bán hài cốt dưới thời cai trị của thực dân Anh trong thế kỷ 19, khi các trường đại học y khoa gây áp lực cho những người hỏa thiêu truyền thống phải chuyển xác đến Anh phục vụ cho các sinh viên y.
 Giáo sư sử học Samuel Redman stại Đại học Massachusetts Amherst (UMA). Ảnh nguồn: London Oral History.
Theo ông Samuel Redman, Giáo sư sử học tại Đại học Massachusetts Amherst (UMA) thì buôn xương và chủ nghĩa thực dân đã đi một chặng dài, bằng chứng này có thể nhìn thấy trong các bộ sưu tập xương người quy mô lớn tại nhiều bảo tàng châu Âu và Mỹ.
Trong cuốn sách mang tựa đề “Những phòng hài cốt: Từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khoa học đến tiền sử con người trong các viện bảo tàng”, Giáo sư Redman nhấn mạnh rằng một phần lớn hài cốt được tích tụ từ cuối thế kỷ 19, chúng không chỉ triển lãm cho công chúng tò mò, mà còn dùng làm cơ sở dữ liệu quý giá nhằm cung cấp bằng chứng về lĩnh vực khoa học chủng tộc mới nổi.
Các nhà khoa học đã được cấp quyền truy cập vào những bộ sưu tập hài cốt mà từ đó họ sẽ dùng nó cho những đeo đuổi giả khoa học như “Phép đo lường đầu người” (craniometry) nhằm so sánh kích thước hộp sọ của một nhóm dân cư nhằm “chứng minh” các hệ thống phân cấp chủng tộc. Về lý do này mà các bảo tàng thường ưu tiên sưu tập hài cốt của cư dân bản địa, những người được cho là gần gũi với nguồn gốc tiến hóa của nhân loại.
Nhiều hộp sọ đã được thu thập bất hợp pháp, thường là bạo lực. Giáo sư sử học Samuel Redman giải thích: “Việc thu thập hài cốt dùng để trưng bày và sưu tập đã chống lại truyền thống của nhiều dân tộc trên thế giới”. Như vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người mua hài cốt đã trả cái gọi là “phí bộ lạc”, và những hộp sọ sau đó đã được đăng ảnh lên Instagram.
Người làm vườn Scragg từng đăng bán một hộp sọ Dayak (“chiến lợi phẩm” ở đảo Borneo) với mức giá 750 bảng Anh. Hay bà Reynders đang có một cái sọ của người Asmat sống ở Papua New Guinea, truyền thống của người Asmat là trang điểm nhiều sáp ong, hạt màu đỏ, lông chim và đá quý lên sọ tổ tiên của họ.
Nhưng với các nhà khảo cổ học, việc tự tiện trưng bày “hài cốt bộ lạc” lên mạng Instagram, là một hành vi không nên vì ngoài việc chiếm hữu thì nó còn cho thấy sự coi thường trắng trợn đối với phong tục của nhiều nền văn hóa khác nhau, nhiều quốc gia còn tỏ ra khó chịu khi ai đó chụp ảnh hài cốt.
Với nhà khảo cổ học Huffer, việc bán hài cốt còn thể hiện sự thiếu hiểu biết về nỗi đau và sự thống khổ đối với lịch sử buôn xương trong quá khứ. Có một thực tế đau lòng rằng khi người phương Tây tỏ ra thích sọ người bộ lạc thì liền sau đó đã xảy ra một số vụ giết người trong các cộng đồng bộ lạc nhằm lấy sọ người bán cho du khách và các viện bảo tàng.
Dần dần các viện bảo tàng và nhiều quốc gia bắt đầu nghĩ lại về di sản ám ảnh. Tháng 4-2019, Đức đã cho hồi hương 53 bộ hài cốt của người thổ dân bản địa Australia từng được trưng bày ở các viện bảo tàng trên thế giới. Trước đó, vào năm 2006, Bảo tàng Anh đã trả các mảnh xương của người thổ dân Maori cho Bảo tàng Te Papa Tongarewa (New Zealand).
Trong khi giới sử gia và khảo cổ học tranh luận về buôn bán hài cốt trên Instagram, thì 2 “nhà sưu tập” Scragg và Reynders đều quả quyết rằng cộng đồng Instagram có những quy chuẩn đạo đức riêng. Cụ thể thì Instagram rất cảnh giác với bất kỳ món đồ nào họ ngờ ngợ nó bị “thó” hay bị cướp.
Các “nhà sưu tập” sọ trên Instagram không cần sự chấp nhận rộng rãi của thế giới. Đối với người làm vườn Scragg: đừng nên hãi sợ cái sọ mà nên nhìn thẳng vào định mệnh của những người đã khuất. Song thực tế thì muôn màu và những khuất tất luôn thường trực đối với những thú chơi quái dị kiểu này.
Theo Văn Chương/An ninh thế giới online