Tại buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, Neil Jacobs, quyền giám đốc cơ quan này cho rằng giảm 30% có nghĩa chất lượng dự báo sẽ quay về như cách đây 40 năm. So với bây giờ, chất lượng dự báo như thế là lấy mất đi của người dân khoảng hai đến ba ngày biết trước mà chuẩn bị đón bão hay dự báo sai đường đi của một trận bão lớn.
|
Ảnh minh họa. |
Nguyên do là bởi hơi nước phát ra một tín hiệu yếu trong khí quyển ở tần số 23,8 GHz và ngành khí tượng thủy văn dựa vào tín hiệu này để làm mô hình dự báo thời tiết. Thế nhưng hiện nay các cơ quan lại cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng tần số 24 GHz để xây dựng mạng 5G. Gần nhau như thế chắc chắn sẽ bị nhiễu tín hiệu vì các vệ tinh của NOAA cũng như của châu Âu đang theo dõi tần số này để thu thập dữ liệu.
Khi Mỹ cho đấu thầu tần số 24 GHz nhiều cơ quan như NOAA và NASA đã phản đối, đòi ngưng cho đến khi tìm ra giải pháp. Giải pháp khả dĩ nhất hiện nay là yêu cầu các hãng viễn thông giảm cường độ phát sóng trên mạng 5G để chúng khỏi ảnh hưởng đến các cảm biến trên các hệ thống vệ tinh theo dõi thời tiết.
Châu Âu và Tổ chức Khí tượng Thế giới có khuyến cáo mức nhiễu tín hiệu tối đa có thể chấp nhận được. Còn cường độ phát sóng như ấn định hiện nay sẽ làm mất đến 77% dữ liệu.
Tuy nhiên cho dù có giải quyết vướng mắc ở tần số này thì vẫn còn vấn đề với các tần số khác. Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) dự tính trong tương lai sẽ tiếp tục cho đấu thầu các băng tần gần tần số dùng để dự báo mưa và tuyết (36-37 GHz), nhiệt độ khí quyển (50,2-50,4 GHz), mây và băng (80-90 GHz).
Ngược lại, trái với các thuyết âm mưu lan truyền trên mạng cho rằng sóng 5G gây ung thư não, gây vô sinh, có hại cho thai nhi và trẻ em... nhiều nhà khoa học khẳng định sóng 5G không gây tác hại lên sức khỏe con người. Những bài viết cho rằng sóng 5G có hại thường lập luận tần số càng cao thì sóng vô tuyến càng có hại cho loài người.
Thế nhưng các nhà khoa học, chẳng hạn một nghiên cứu gần đây của Đại học Cornell lại khẳng định điều ngược lại, tần số càng cao, sóng vô tuyến càng khó thâm nhập qua da để tác động lên các cơ quan nội tạng, kể cả não bộ.
Tần số mà các mạng 5G sử dụng cao hơn nhiều so với các mạng cũ như 3G hay 4G, nhờ thế nó mới chuyển tải được nhiều thông tin hơn và vì thế tác động lên sức khỏe con người, nếu có đi chăng nữa, cũng sẽ thấp hơn nhiều so với các mạng 3G, 4G hiện nay. Vấn đề nằm ở chỗ tần số càng cao, khoảng cách truyền dẫn của sóng càng ngắn vì thế mạng 5G cần nhiều trạm tiếp sóng hơn các mạng cũ.
Mặc dù điểm tiếp sóng 5G sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với trạm tiếp sóng cũ nhưng nếu trước đây một khu vực cần 2 trạm tiếp sóng để bao phủ khắp thì nay cần đến 15-20 điểm tiếp sóng. Các điểm tiếp sóng này lại cần kết nối với mạng hữu tuyến y như mạng wifi.
Xung đột trong sử dụng tần số vô tuyến cũng xảy ra ở những băng tần khác. Trước đây các micro không dây sử dụng băng tần 600 MHz và hoạt động yên ổn ở đó trong một thời gian dài. Đến năm 2016, FCC lại đem băng tần này ra bán đấu giá cho các hãng viễn thông với lý do băng thông rộng này sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, đem lại lợi ích to lớn hơn cho cộng đồng.
Các hãng sản xuất micro không dây phải ra khỏi băng tần này trước tháng 8-2020. Nhưng hãng T-Mobile bỏ ra gần 8 tỉ đô la để triển khai mạng LTE đã sớm bắt đầu sử dụng băng tần 600 MHz nên xem như hàng chục ngàn sân khấu, trường học, nhà thờ, văn phòng, khách sạn... phải bỏ ra những khoản tiền lớn để mua micro không dây mới.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn