Tháng 9/2021, cây đa 200 năm tuổi trên đường Nguyễn Văn Linh (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bật gốc. Cây có đường kính khoảng 4m, cao hơn 20m. Cây quá lớn nên khi bật gốc đã làm hư hỏng 3 ngôi nhà.
Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết trên Lao động, cây đa này có tuổi thọ hơn 200 tuổi, là một trong ba cây đa cổ thụ quý ở địa phương.
Trước đây hội đã đề nghị công nhận cây di sản cây đa này cùng một cây đa ở núi Long Đầu gần sông Trà Khúc. Cây đa này cũng gắn với lịch sử chống ngoại xâm.
Tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm tái sinh "cụ đa" vì người dân tỉnh Quảng Ngãi tâm niệm rằng cây đa lâu năm nên rất linh thiêng. Đáp ứng ý nguyện của đông đảo người dân, tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cùng các cơ quan liên quan dùng xe cẩu lớn và nhiều dụng cụ, nhân lực để cắt tỉa, xử lý vết thương cho cây đa cổ thụ.
Cây đa được vận chuyển đến núi Thiên Bút cách đó 4km để trồng lại. Tuy nhiên, phải mất đến 5 ngày với nhiều xe cẩu "khủng" mới có thể hoàn thành công việc. Sau khi trồng ở điểm mới, cây được các chuyên gia sinh vật cảnh chăm sóc cẩn thận nhằm tăng tỷ lệ sống.
Cây đa đang được trồng trên núi Thiên Bút, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi và được chăm sóc kỹ lưỡng. (Ảnh: Lao động)
Sau một năm rưỡi, cây đa đã bén rễ trên núi Thiên Bút. Cành lá bắt đầu phát triển mạnh, xanh mơn mởn. Để giúp đa cổ thụ đứng vững, đơn vị chăm sóc đã dùng trụ bê tông, dây cáp chằng chống kỹ. Hệ thống tưới tự động cũng được lắp đặt nhằm cung cấp đủ nước cho cây.
Thời gian qua, Hội Sinh vật cảnh đã tham mưu cho các cơ quan chuyên môn các biện pháp phù hợp nhằm hồi sinh cây đa cổ. Cây được chăm sóc rất cẩn thận, đảm bảo bộ rễ có khả năng phục hồi tốt nhất.
Ông Trần Bảo Phát - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cho biết trên Dân trí: "Hiện cây đã phát triển cành lá, chồi non mơn mởn nhưng bộ rễ chính của cây đã bị thoái hóa, cây còn rất yếu. Do đó vẫn chưa thể chắn chắc cây có khả năng sống được bao nhiêu phần trăm".
Theo Việt Hương/Người Đưa Tin