Sự thật vừa công bố về tín hiệu thiên văn Wow! bí ẩn

Google News

(Kiến Thức) - Một tin bất ngờ với những người theo dõi các bí ẩn thiên văn là tín hiệu Wow! kỳ lạ phát hiện năm 1977 đã được các nhà khoa học giải mã.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 15/8/1977, một nhóm nhà thiên văn đang nghiên cứu truyền tải vô tuyến từ đài quan sát “Big Ear” ở bang Ohio (Mỹ) đã ghi nhận được một tín hiệu kỳ lạ. Tín hiệu dài 72 giây này mạnh đến nỗi một thành viên trong nhóm đã viết vội từ “Wow!” kế bên bản ghi kết quả. Đó cũng là lý do tín hiệu này được gọi là tín hiệu Wow!.

Su that vua cong bo ve tin hieu thien van Wow! bi an
Ảnh chụp bản ghi tín hiệu Wow! bí ẩn gây xôn xao suốt 40 năm qua thu được từ kính viễn vọng Big Ear. 6EQUJ5 được chọn làm các ký tự tượng trưng cho tín hiệu Wow!. (Ảnh: Center of Planetary Science) 

Từ đó trở đi, nhiều nhà khoa học đã cố gắng giải thích tín hiệu Wow! nhưng cho đến nay vẫn chưa ai đưa ra được luận điểm nào hợp lệ.

Su that vua cong bo ve tin hieu thien van Wow! bi an-Hinh-2
Kính viễn vọng vô tuyến Big Ear (đã bị phá hủy năm 1998). Ảnh: Big Ear Radio Observatory/NAAPO

Một số hướng nghiên cứu có vẻ khả thi như tiểu hành tinh, ngoại hành tinh (exo-planet, hay còn gọi là hành tinh ngoài hệ mặt trời-extrasolar planet), các ngôi sao và cả tín hiệu từ chính trái đất... đều đã bị loại trừ. Một số cư dân ngoại đạo còn cho rằng đây là bằng chứng của người ngoài hành tinh.

Su that vua cong bo ve tin hieu thien van Wow! bi an-Hinh-3
Một số người ngoài giới khoa học còn xem Wow! là bằng chứng của người ngoài hành tinh (Ảnh: Getty) 

Một điều đáng chú ý là tần số truyền tải tín hiệu là 1.420 Mhz, trùng với tần số của hydro.

Tần số của hydro là vạch quang phổ bức xạ từ tính electron được tạo ra do sự thay đổi trong trạng thái năng lượng của các nguyên tử hydro trung hòa. Tần số 1.420 Mhz tương đương với bước sóng 21,1cm trong chân không nên vạch phổ hydro (hydro line) còn được gọi là vạch phổ 21 cm hay H I (ảnh dưới).

Su that vua cong bo ve tin hieu thien van Wow! bi an-Hinh-4
 (Ảnh: Australian Space Academy)

Dựa trên đặc điểm này, năm ngoái, một nhóm nghiên cứu đã nảy ra giả thuyết tín hiệu lạ đến từ một đám mây hydro đi cùng một sao chổi. Sự di chuyển của sao chổi cũng giải thích được lý do vì sao tín hiệu này vẫn chưa xuất hiện trở lại.

Tập trung vào trọng tâm mới, nhóm đã chú ý đến hai sao chổi có mặt ở cùng khu vực bầu trời được Big Ear theo dõi vào ngày hôm đó (tháng 8/1977). Đó là hai sao chổi chưa từng được khám phá, P/2008 Y2 (Gibbs) và 266/P Christensen.

Từ tháng 11/2016 đến tháng 2/2017, khi hai sao chổi trên lại xuất hiện trên bầu trời đêm, nhóm đã có cơ hội kiểm tra ý tưởng của mình.

Theo báo cáo của nhóm, các tín hiệu vô tuyến từ 266/P Christensen trùng khớp với tín hiệu Wow! cách đây 40 năm. Khi kiểm tra bản ghi của ba sao chổi khác để kiểm chứng lại kết quả, nhóm cũng tìm thấy những tín hiệu tương tự.

Tuy vậy, ý tưởng này đã bị một số nhà khoa học khác nghi ngờ vì một số lý do như: chưa từng phát hiện bức xạ 1420 Mhz từ một sao chổi, 266/P Christensen tương đối ít hoạt động ngay cả ở điểm gần mặt trời nhất.

Điểm gần mặt trời-perihelion của một hành tinh hay sao chổi là vị trí của chúng trong quỹ đạo khi ở gần trung tâm mặt trời nhất, đối lập với aphelion là vị trí ở xa nhất (ảnh).

Su that vua cong bo ve tin hieu thien van Wow! bi an-Hinh-5
(Ảnh: YourDictionary)

Điểm gần mặt trời của Christensen là 2,3 a.u, đơn vị thiên văn bằng khoảng cách từ mặt trời đến trái đất.

Ngoài ra, lý thuyết sao chổi của nhóm này còn có vấn đề ở chỗ vào ngày tìm thấy tín hiệu Wow! thì sao chổi đang ở sai vị trí, đến sớm hơn tín hiệu Wow!.

Để kết luận, các nhà nghiên cứu thừa nhận là chưa thể chắc chắn 100% tín hiệu Wow! được sao chổi 266/P Christensen tạo ra mà chỉ có thể đảm bảo tương đối là tín hiệu Wow! đến từ một sao chổi.

Su that vua cong bo ve tin hieu thien van Wow! bi an-Hinh-6
Tín hiệu Wow! kỳ lạ có thể đến từ một sao chổi (Ảnh: NASA)

Trên đây là lý thuyết và các luận điểm chứng minh của nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Antonio Paris dẫn đầu đã được xuất bản trên tạp chí khoa học Journal of the Washington Academy of Sciences gần đây.Nhóm Antonio Paris đến từ đại học St Petersburg ở Florida (Mỹ) và trung tâm khoa học hành tinh (Center of Planetary Sciences-CPS).

Đoàn Hiểu Linh (theo Phys, Astronomy Now)