Bilal Mansoor Khawaja - sở hữu một sở thú tư nhân cười rạng rỡ khi vuốt ve một con sư tử trắng. Nó là một trong số hàng nghìn loài thú quý hiếm, kỳ lạ tại sở thú của Khawaja ở thành phố Karachi, nơi đông dân nhất Pakistan. Thành phố này là nơi buôn bán động vật hoang dã sầm uất, phục vụ cho giới thượng lưu đeo đầy vàng của Pakistan.
“Nó thuộc những loài động vật hiếm nhất mà tôi có”, Khawaja tự hào khoe chú sư tử trắng đang bị xích của mình.
Anh Zulkaif Chaudhary, 33 tuổi, ở thành phố Multan, Pakistan cũng mua con sư tử Babbar khi nó mới hai tháng tuổi. Sau 6 tháng sống cùng Chaudhary, con vật hiện nặng hơn 76 kg và ăn khoảng 7,7 kg thịt mỗi ngày.
|
Chán khoe biệt thự, siêu xe, đại gia Pakistan nuôi sư tử như thú cưng sang chảnh. Ảnh: AFP |
Chaudhary cho phép Babbar đi lại tự do trong căn biệt thự sang trọng của gia đình và ngủ trên một giường cỡ lớn, có đệm đôi và điều hòa nhiệt độ riêng. Dù có một con trai 2 tuổi, anh chưa bao giờ xích con vật.
"Nó giống như con của tôi. Tôi rất yêu sư tử và cảm thấy như đang chăm sóc một con người", Chaudhary nói. "Tôi chưa bao giờ trao đổi với gia đình. Tôi mua nó rồi mới báo với họ. Tuy nhiên, tất cả họ đều vui khi nhìn thấy nó. Họ đến thăm nó hàng ngày".
Theo Chaudhary, anh không lo ngại chuyện Babbar sẽ tấn công mọi người, thậm chí con trai anh còn chơi đùa với sư tử. "Tôi chưa bao giờ xích Babbar và sẽ không bao giờ làm thế, vì tôi yêu nó như con vậy", Chaudhary nói.
Anh khẳng định đã được chính quyền cấp phép nuôi sư tử trong nhà nhưng từ chối tiết lộ anh mua con vật có giá 4.000 USD này ở đâu.
"Nó đang lớn rất nhanh. Tôi cho nó ăn cả thịt cừu, bò và đôi khi cả gà", anh nói. Chaudhary cũng huấn luyện Babbar như một con chó cưng và dẫn nó đi dạo hàng sáng từ 5 đến 6h. Anh đang dạy cho nó các hiệu lệnh "ngồi", "đi" và "ăn".
Được biết, luật pháp Pakistan lỏng lẻo giúp việc nhập khẩu loài thú quý hiếm trở nên dễ dàng. Nhưng quy định về việc nuôi nó như thế nào lại gần như không tồn tại trong quốc gia này.
Điều đó dẫn đến hiện tượng một lượng lớn động vật hoang dã được nhập khẩu hoặc nhân giống trên khắp Pakistan trong những năm trở lại đây, gây ra nỗi kinh hoàng cho nhiều quan chức nước này. Đặc biệt trong số đó phải kể đến loài sư tử, được xem như biểu tượng của sự giàu có và quyền lực.
Theo Vũ Đậu/ĐSPL