Men theo con đường mòn quanh co dẫn vào bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến có hơn 300 hộ dân sinh sống, với 100% là đồng bào dân tộc Thái. Nằm cách con đường vào bản khoảng 80 m, có cây sa mu khổng lồ mọc sừng sững như che kín cả một vùng trời nơi núi rừng đại ngàn. Nhìn cây sa mu hùng vĩ trông giống như cảnh quan 3D được chiếu trong bộ phim Avatar của Mỹ đoạt giải Oscar đứng hiên ngang đầu bản vùng cao.
|
Nhìn cây sa mu ngàn năm tuổi, trông giống như phong cảnh 3D được dàn dựng trong bộ phim Avatar của Mỹ. |
Để tìm hiểu rõ hơn về sự tích cây sa mu ngàn năm tuổi này, chúng tôi tìm đến già làng, Cà Văn Pỏm gần 90 tuổi, bản Nà Tâu cho hay: Từ lúc tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, tôi đã thấy dân bản ai ai cũng đều coi cây sa mu như là một thần cây. Chúng tôi coi cây sa mu như là tượng đài sống phủ hộ cho con cháu trong bản. Hằng năm, cứ đến ngày mùng 7 Tết âm lịch, là tết của người Thái, khi tổ chức lễ cúng tổ tiên, thì dân bản đều dâng mâm cỗ đến chỗ ngôi miếu và gốc cây thắp hương khấn vái, cầu ước cho con cháu khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, lúa vàng bội thu, những con người đi làm ăn xa thì luôn may mắn và thành đạt.
|
Những tán lá của cây sa mu như che kín cả một vùng trời nơi núi rừng đại ngàn. |
Cũng theo ông Pỏm, cụ nội của ông lúc còn sống có kể lại rằng: Khi ông nội còn nhỏ, đã thấy cái cây này to và khổng lồ như vậy rồi. Trải qua cả trăm năm đến bây giờ cụ Pỏm cũng đã sống gần thế kỷ, cây sa mu vẫn to như thế. Hàng trăm năm qua, nó không lớn lên được chút nào nữa.
Cây sa mu thường mọc ở những nơi có địa hình hiểm trở, xa xôi nên vấn đề thu hái và gieo ươm cây con để thực hiện việc phát triển loài cây này rất khó khăn. Hiện nay việc nhân giống gieo ươm loài cây này mức độ thành công thấp. Được biết loại cây sa mu là loại gỗ có vân thớ đẹp, dễ chế biến gia công, có thớ gỗ dọc và đặc biệt gỗ có khả năng chịu nắng mưa rất tốt, để ngoài trời hàng trăm năm không hỏng hay mục nát.
|
Cây sa mu ngàn năm tuổi mọc sừng sững ngay đầu bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến. |
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch xã Ngọc Chiến cho biết: Cây sa mu ở bản Nà Tâu đường kính thân của nó cũng phải lên đến 3m, còn chu vi thì phải đến chục mét. Cây này được bà con quý lắm, gỗ của nó toát ra mùi thơm dìu dịu, có tính năng xua đuổi ruồi muỗi.
Tương truyền, cây sa mu (ngọc am) là loài gỗ quý, xưa kia chỉ có bậc đế vương mới được sử dụng. Hương ngọc am quyện vào làn da cung tần mỹ nữ khiến các bậc đế vương say đắm. Nhỏ vài giọt tinh dầu ngọc am vào nước tắm là một trong những cách xức nước hoa của các cung tần mỹ nữ xưa kia. Sa mu là loài cây gắn liền với đời sống đồng bào miền núi và nét văn hóa của người dân vùng cao nơi đây. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với bà con dân bản, bảo tồn loại cây quý hiếm nay.
|
Cảnh bản làng dân tộc Thái sinh sống gần cây sa mu linh thiêng ngàn năm tuổi. |
Người Thái sử dụng gỗ sa mu với nhiều công dụng hơn, ngoài lợp mái, ván thưng nhà như đồng bào Mông thì họ còn dùng để đóng đồ gia dụng như giường tủ, bàn ghế, bộ ván ngựa. Hiện nay, gỗ sa mu dầu được sử dụng nhiều hơn vào việc làm nhà như cột, văng, xà, làm đồ thủ công mỹ nghệ như tượng, tranh, lộc bình...
Theo Hà Hoàng - Văn Chiến/Dân Việt