CNN đưa tin, đập Mosul trên sông Tigris ở Kurdistan, Iraq gần đây đã trải qua một đợt hạn hán cục bộ, khiến mực nước giảm mạnh.
Chẳng ngờ, vụ hạn hán này lại giúp các nhà khảo cổ địa phương phát hiện ra rằng, dưới hồ chứa nước có những di tích cổ thuộc về đế quốc Mittani, một trong những đế quốc ít được biết tới nhất ở vùng Cận Đông cổ đại.
Cụ thể, di tích cổ được phát hiện là một cung điện gọi là Kemune, ban đầu được xây dựng trên một mô đất cao cách con sông 20m.
Bên cạnh đó, cung điện còn được bao phủ bằng những bức tường bằng gạch bùn để có cấu trúc vững chắc hơn. Một số bức tường cao hơn 2m và nhiều căn phòng có trát vữa. Theo ước tính, cung điện này được xây dựng giữa năm 1550 và 1350 trước Công nguyên, khoảng 3400 tuổi.
Mời quý vị xem video: Top 10 cung điện hoàng gia hấp dẫn nhất thế giới
Nhà khảo cổ học Hasan Ahmed Qasimm nói rằng: "Đây là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất trong khu vực trong cả thập kỷ qua".
Nhà khảo cổ học của Viện nghiên cứu Cận Đông cổ đại tại Đại học Tübingen ở Đức, Ivana Puljiz cũng tiết lộ: "Chúng tôi phát hiện ra các bức tường được sơn bằng sơn đỏ và xanh, các bức bích họa cũng là điển hình của cung điện Cận Đông cổ đại, nhưng chúng hiếm khi được bảo tồn nguyên vẹn. Cung điện Kemune là nơi thứ hai có những bức bích họa thời Mittani".
Ngoài ra, Puljiz và đồng nghiệp còn khai quật được 10 bảng đất sét đầy chữ hình nêm, một hệ thống chữ viết cổ đại. Họ đã gửi đồ vật tới Đức để nhờ chuyên gia dịch.
Trên thực tế, vào năm 2010, khu vực hồ chứa này cũng đã từng có mực nước thấp, di tích cổ đã được phát hiện. Thế nhưng sau ba tuần, mực nước tăng trở lại khiến di tích bị ngập và không thể nghiên cứu, cũng rất khó xác định thời gian của di tích.
Gần đây, hạn hán xảy ra một lần nữa, giúp các nhà khoa học khám phá được thêm nhiều điều.
Kiều Dụ (Theo CNT)