“Thần đèn” xứ Bắc hé lộ “bảo bối” di dời nhà

Google News

(Kiến Thức) - Công trình di dời gần đây nhất do các tác giả thực hiện là việc di dời 2 tòa tháp chùa Phổ Giác, Ngô Sỹ Liên, Hà Nội.

"Thần đèn" xứ Bắc, ThS Đỗ Quốc Khánh và TS Đỗ Quốc Việt (Công ty xử lý lún nghiêng Việt Nam) đã chính thức hoàn thiện công nghệ và hệ thống thiết bị đồng bộ phục vụ xử lý sự cố lún – nghiêng - sập công trình xây dựng và di dời nhà. Đây là lần đầu tiên công nghệ này được công bố trong một đề tài cấp nhà nước tại Việt Nam sau nhiều năm nghiên cứu và triển khai ứng dụng thực tế.

Mô phỏng, mô hình hóa sự cố 

TS Đỗ Quốc Việt cho biết, điểm nổi bật của công nghệ này là việc sử dụng bộ thiết bị đồng bộ điều khiển qua trạm trung tâm, có kiểm soát toàn bộ các biến dạng, chuyển vị của kết cấu công trình thông qua các đầu đo biến dạng - chuyển vị điện tử được kết nối với máy vi tính. 

Sau 3 năm nghiên cứu và chế tạo theo đề tài của Bộ KH&CN, các tác giả đã cho ra đời 2 bộ thiết bị đồng bộ: một bộ thiết bị nâng hạ, căn chỉnh nghiêng nhà LNS-5000T có sức nâng 5.000 tấn và một bộ thiết bị đồng bộ di dời - xoay đổi hướng nhà DD-1500 tấn có khả năng di dời các công trình có tải trọng lên đến 15.000 tấn.

Bắt kịp xu hướng công nghệ của thế giới, đề tài cũng đã triển khai thành công các phương pháp mô phỏng, mô hình hóa sự cố và các tác động có thể ảnh hưởng lên công trình, từ đó hỗ trợ đặc lực cho việc tính toán, thiết kế gia cường kết cấu công trình trong quá trình xử lý lún – nghiêng hay trong di dời nhà.

Các chuyên gia đang thực hiện xử lý nhà lún - nghiêng. 

Không ảnh hưởng đến kết cấu

Công trình di dời gần đây nhất do các tác giả thực hiện là việc di dời 2 tòa tháp chùa Phổ Giác, Ngô Sỹ Liên, Hà Nội. Thời điểm thi công lúc đó đã cận kề sát Tết Nguyên Đán 2012, do yêu cầu về tiến độ của phía nhà chùa, công trình phải được hoàn thành xong trước Tết. Khó khăn trong việc di dời công trình có ý nghĩa tâm linh và giá trị văn hóa này là làm sao phải bảo toàn được nguyên vẹn, không làm nứt vỡ, xây xước kết cấu hai tòa tháp và bảo toàn được cả kết cấu móng công trình. Với sự nỗ lực của ban giám gốc và toàn thể cán bộ, công nhân viên Công ty Xử lý Lún nghiêng Việt Nam, sau 15 ngày làm việc cả ngày lẫn đêm, công trình đã được nâng cao lên 0,75m và di dời đi 5m, về đến đích an toàn, đúng tiến độ.

ThS Đỗ Quốc Khánh cho biết, thông qua việc sử dụng hệ thống các đầu đo điện tử kiểm soát qua máy vi tính trực tiếp tại hiện trường, công nghệ mới này có thể kiểm soát được từng chuyển vị, biến dạng nhỏ nhất của công trình trong quá trình xử lý sự cố hay trong khi di dời nhà, đảm bảo các công trình xử lý được an toàn tuyệt đối, không bị bất cứ hỏng hóc, hư hại nào ảnh hưởng đến kết cấu. 

Việc áp dụng công nghệ mới này giúp giảm nhân lực, giảm thời gian thi công, vì thế khiến cho giá thành rẻ hơn. Thử nghiệm cho thấy, áp dụng công nghệ này để di dời, chống lún, nghiêng nhà có thể giúp tiết kiệm được đến 50-70% giá thành so với việc đập đi xây mới lại công trình.

Cho chúng tôi xem một loạt các công trình đã được xử lý thành công trong suốt thời gian qua, TS Đỗ Quốc Việt cho biết, giờ đây, với công nghệ này ở đâu có công trình lún, nghiêng hay cần di dời đều có thể sử dụng công nghệ và hệ thống thiết bị đồng bộ này. Điều đáng nói, việc hoàn thiện công nghệ này sẽ mở ra cơ hội trong việc duy trì phục chế các công trình cổ, công trình văn hóa không thể tháo dỡ và làm mới như đình, chùa, nhà hát, nhà cổ.

Một ưu điểm nữa là toàn bộ các vật tư, thiết bị phục vụ công nghệ đều được sản xuất ở trong nước, có khả năng ứng dụng cho quy mô công nghiệp, mở ra một ngành nghề mới ở Việt Nam.


Sơn Hà