Tháo ngòi bom nguyên tử: Việc “lạnh gáy” nhất thế giới

Google News

Một nhà khoa học đã hai lần tháo ngòi bom nguyên tử, công việc được cho là "lạnh tóc gáy" nhất thế giới.

Tháo ngòi bom nguyên tử - công việc "lạnh tóc gáy" nhất thế giới

Mùa xuân năm 1952, chính phủ Mỹ tiến hành cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật tại bãi thử Nevada như một phần trong chiến dịch Tumbler-Snapper. Đây là loạt vụ thử hạt nhân thứ ba chỉ trong vòng 18 tháng tại Nevada giữa kỷ nguyên bùng nổ vũ khí hạt nhân.

Vào lúc 4h00 sáng ngày 13/5, một trong những quả bom của chiến dịch Tumbler-Snapper - mang mật danh "Fox" (Con cáo) - đã được lên kế hoạch bắn khỏi dàn phóng. Nhưng khoảnh khắc trôi qua mà không có quả cầu lửa nào cuộn tròn trên bầu trời.

Cú bắn "Fox" bị xịt. Bị kẹt trên đỉnh tháp phóng cao 91 mét sừng sững giữa lòng chảo Yucca Flat (một trong bốn khu thử hạt nhân chính ở bãi thử Nevada), quả bom trục trặc có công suất 15-kiloton này gây ra nguy cơ hủy diệt nghiêm trọng đối với các sinh vật sống trong vòng bán kính nhiều dặm.

Ai đó phải tháo ngòi được quả bom. Đây sẽ là một trong những công việc nguy hiểm nhất, tinh vi nhất trên thế giới.

 

Thao ngoi bom nguyen tu: Viec “lanh gay” nhat the gioi

Ảnh minh họa một vụ nổ hạt nhân.

Thực ra, kế hoạch thử quả bom Fox đã bắt đầu khá tốt. Đêm trước giờ H tại Khu 4 của Yucca Flat, Tiến sĩ John C. Clark của Ủy ban Năng lượng nguyên tử quốc gia đã cùng với các nhà khoa học hàng đầu tham gia chứng kiến vụ nổ tại một điểm kiểm soát cách đó vài dặm. Ngoài ra, khoảng 500 nhà quan sát quân đội Mỹ và 950 binh sĩ thuộc tiểu đoàn bộ binh thiết giáp 701 - Sư đoàn thiết giáp 1, cũng chứng kiến vụ thử hạt nhân từ một nơi chỉ cách Ground Zero (địa điểm trên mặt đất nằm gần nhất với vị trí xảy ra vụ nổ hạt nhân) vài dặm.

Các nhà tâm lý học từ Đại học George Washington và Johns Hopkins đã chuẩn bị sẵn sàng để đánh giá phản ứng của "các nhà quan sát" đối với sự hủy diệt nguyên tử. Hàng trăm binh sĩ tiểu đoàn 701 hóa ra phải làm "chuột bạch" để các nhà khoa học đánh giá hiệu ứng chớp sáng, đốt cháy và sóng xung kích của quả bom trong điều kiện thực địa.

Đồng hồ đếm ngược chạy nhanh đến giờ H, nhưng rồi… chẳng có gì xảy ra.

Trong những phút tuyệt vọng sau đó, tiểu đoàn 701 cùng những người xem vẫn đứng chờ đợi trong im lặng. Đội ngũ phóng thì liên tục kiểm tra lại các thiết bị máy móc kỹ thuật phức tạp và đường dây nối để tìm hiểu lý do thất bại. Các nhà điều hành vụ thử nghiệm cuối cùng yêu cầu binh sỹ và các giám sát viên rời khỏi khu vực thử và ghế quan sát.

John Clark là chỉ huy của đội bắn, vì thế quả bom là trách nhiệm của ông. Ông đề xuất phương án vô hiệu hóa "Fox" với giám đốc thử nghiệm bom, Tiến sĩ Alvin Graves, sau đó nhóm bắn đã dành cả giờ để đưa ra một thủ tục chi tiết công tác tháo ngòi nổ và kiểm tra.

John Clark vốn là người kích nổ nhiều vũ khí hạt nhân hơn bất cứ người nào khác trên thế giới. Chỉ vài tháng trước vụ thử quả bom Fox, Clark đã giải giáp một quả bom nguyên tử khác. Tháng 10/1951, tên lửa mang đầu đạn hạt nhân mang mật danh "Sugar" của Chiến dịch Buster-Jangle cũng bị xịt tại bãi thử Nevada. Clark đã dành hai giờ "hại não" để giải giáp thiết bị có công suất 1,2 kiloton này.

Tuy nhiên Clark không làm việc đơn độc mà bên cạnh ông còn có các kỹ sư khác là Herb Grier và Barnie O'Keefe – cả hai đều đến từ nhà thầu hạt nhân EG&G – và đều là các chuyên gia có kiến thức uyên bác về hệ thống điện tử bên trong quả bom "Con cáo". Họ bắt đầu tung đồng xu để xem ai sẽ thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm này cùng với Clark và cuối cùng O'Keefe đã thắng.

Vào lúc 6h15, chỉ mang theo một ít dây thừng, một số dụng cụ kiểm tra và một cái cưa sắt, Clark cùng với O'Keefe và nhà vật lý John Wieneke lái xe ra khỏi Khu 4, bắt đầu sứ mạng nguy hiểm. Tới chân tòa tháp cao 91 mét với quả bom nguyên tử trên đỉnh, không có thang máy, ba người đàn ông chỉ còn cách duy nhất lên là leo lên. Cứ được chừng 30 mét, họ lại nghỉ, sau đó tiếp tục leo, tiến về khoang kín chứa quả bom nguyên tử "nóng bỏng".

Thao ngoi bom nguyen tu: Viec “lanh gay” nhat the gioi-Hinh-2

Vỏ quả bom nguyên tử Mark V. (Ảnh: nuclearweaponsarchive).

Clark dùng cưa sắt cắt đứt dấu dây mà anh ta đã xoắn vào vị trí, và cả nhóm cúi xuống thứ vũ khí "nóng". O'Keefe cầm điện thoại trên tường, kết nối với giám đốc Thử nghiệm bom, Tiến sĩ Alvin Graves.

Với đôi tay trần, Clark tháo các tấm vỏ bên ngoài, với tới mạng lưới dây điện và thiết bị điện tử bên trong quả bom Mark V. Trong lúc Wieneke rà soát danh sách thủ tục kiểm tra một vụ giải giáp hạt nhân, Clark cẩn thận định vị và vô hiệu hóacác hệ thống lõi, bao gồm cả bộ phận kích hỏa phản ứng nguyên tử.

Họ làm việc đến toát cả mồ hôi hột bởi ai cũng nhận thức được rằng cái thứ mà họ đang chạm tay vào hết sức nguy hiểm, trái bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Hơn nữa, nếu vật liệu hạt nhân không bị kích hoạt, thiết bị này vẫn chứa một lượng lớn thuốc nổ đủ để thổi bay tòa tháp phóng, cùng mọi thứ, mọi người trên đó.

Vào lúc kết thúc công việc chết chóc của mình, Clark còn yêu cầu Tiến sỹ Graves cử thêm một kỹ sư hạt nhân tới tham gia với đội của họ để tháo bỏ lõi Plutonium của trái bom. Các vũ khí hạt nhân đời đầu của Mỹ - dù là trong thử nghiệm hoặc đã được sử dụng trên chiến trường – đều được tách rời phần lõi hạt nhân khỏi phần vỏ nhằm mục đích bảo đảm an toàn. Các cánh cửa nhỏ đặc biệt nằm ở phần vỏ bom nguyên tử cho phép đội ngũ kỹ thuật đưa lõi vào trong hoặc tháo bỏ nó ra ngoài.

Cuộc điều tra sau đó đã tìm ra nguyên nhân vụ thử thất bại: không phải do mạch điện của bom mà trong một hệ thống thiết bị đo đạc. Một thiết bị đã không thể bật và tắt quá trình kích hoạt tự động khiến trái bom không phóng đi được.

Mười hai ngày sau đó, vào ngày 25/5/1952, Clark cuối cùng chứng kiến Fox nổ tung - lần này thì hoàn hảo.


Theo TTXVN/Báo Tin Tức