Theo Sci-Tech Daily, một kỹ thuật độc đáo mới đã được các nhà thiên văn từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard&Smithsonian (CfA) phát minh để đi tìm những hành tinh non nớt ẩn trong đĩa tiền hành tinh.
Và một thế giới như vậy đã được tìm thấy trong đĩa tiền hành tinh của ngôi sao LkCa 15 trong chòm Kim Ngưu.
Ảnh đồ họa mô tả "thế giới trong gương" goofm một ngôi sao giống Mặt Trời và một hành tinh giống Sao Thổ - Ảnh: Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian
LkCa 15 có khối lượng khoảng 97% Mặt Trời và mang cùng tính chất, mát hơn mặt trời một chút không đáng kể. Một hành tinh "sơ sinh" - có thể khoảng 1-3 triệu tuổi, chỉ là cái chớp mắt trong vòng đời một thiên thể - vừa nổi lên từ đĩa tiền hành tinh.
Theo tiến sĩ Feng Long, tác giả chính của nghiên cứu, việc phát hiện trược tiếp các hành tinh trẻ là rất hiếm hoi bởi vì chúng quá mờ và bị nhiễu bởi lớp khí bụi mờ mịt của các đĩa tiền hành tinh.
Hành tinh non trẻ này có thể trở thành một gã khổng lồ khí giống Sao Thổ, kích thước tương đương. Khả năng nhỏ hơn là nó giống Sao Thiên Vương.
Nhờ có hệ thống quan sát thiên văn siêu việt ALMA đặt giữa sa mạc tại Chile, các nhà khoa học đã phát hiện ra tới tận 2 điểm mờ nhạt trong đía tiền hành tinh của ngôi sao, nằm khá gần nhau, với ít nhất 1 trong 2 là hành tinh. Rất có thể đĩa tiền hành tinh này còn chứa những hành tinh nhỏ hơn như Trái Đất, nhưng rõ ràng tìm chúng ở một thế giới mịt mờ cách chúng ta 518 năm ánh sáng là không dễ dàng.
Các nhà khoa học cho rằng kết quả gợi ý về một phương pháp tìm kiếm hành tinh mới, khi mà chúng ta có thể "bắt" các thế giới xa lạ, càng quý giá hơn khi nó là một "thế giới trong gương" như trên, thứ sẽ gợi ý chúng ta về nguồn gốc của hệ Mặt Trời.
Nghiên cứu vừa được công bố trên The Astrophysical Journal Letters.
Theo Anh Thư/Người lao động