Các nhà khoa học phát hiện ra rằng có những điểm trong thiên hà Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta trông như những lỗ sâu đục, những đường hầm dài và mảnh.
Nghiên cứu vừa công bố trên Astronomy & Astrophysics cho hay các lỗ thủng bí ẩn và khổng lồ ấy có thể chính là dấu tích của các siêu tân tinh, những "dấu ấn ma quỷ" có thể giúp ghi lại lịch sử của thiên hà chứa Trái Đất và các vì sao của nó.
Bản đồ hydro nguyên tử trung tính trong thiên hà Milky Way - Ảnh: HI4PI
Siêu tân tinh là vụ nổ cuối đời của các vì sao. Khi một ngôi sao như Mặt Trời của chúng ta già đi, nó sẽ dần cạn năng lượng, tiếp theo là phình to lần cuối khi hấp hối, tức biến thành sao khổng lồ đỏ. Sau đó, ngôi sao sẽ sụp đổ thành dạng "thây ma" là sao lùn trắng, một vật thể chỉ cỡ Trái Đất nhưng vẫn nặng như Mặt Trời.
Sau một thời gian, sao lùn trắng tiếp tục sụp đổ lần nữa: Bùng nổ rực rỡ trong một sự kiện là siêu tân tinh, giải phóng nhiều nguyên tố, bao gồm các nguyên tố hiếm. Vật chất từ các siêu tân tinh này có thể tiếp tục tái sinh trong các hệ sao khác.
Các phát hiện này có thể tạo tiền đề cho các tàu thăm dò tương lai với sứ mệnh tái tạo lịch sử của thiên hà chứa Trái Đất và cách thức nó tiến hóa cho đến ngày nay. Hơn hết, nghiên cứu còn chỉ ra nguyên lý "sự sống bắt đầu từ cái chết" trong vũ trụ.
"Sự liên kết của các siêu tân tinh rất hiệu quả trong việc duy trì sự hỗn loạn và nâng khí trong một đĩa phân tầng. Việc tìm thấy các cấu trúc dạng sợi này trong hydro nguyên tử là một bước quan trọng trong việc tìm hiểu quá trình chịu trách nhiệm cho sự hình thành sao quy mô thiên hà" - Sicence Alert dẫn lời nhà thiên văn Patrick Hennebelle từ Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Saclay - Pháp, thành viên nhóm nghiên cứu.
Theo Anh Thư/Người lao động