Nhóm "thợ săn" khoác lên mình một bộ đồ bảo hộ từ đầu đến chân, mặt nạ và găng tay để che kín mọi phần cơ thể. Chỉ cần dính một giọt nước dãi hoặc nước tiểu của dơi, họ có thể bị nhiễm những loại virus chết người từ loài vật này.
Sau khi băng qua rừng và đi vào cửa hang ở tỉnh Vân Nam, phía Tây Nam Trung Quốc, các nhà khoa học của viện Smithsonian ngồi chờ tới khi trời tối. Đó là lúc hàng nghìn con dơi bay ra và rơi vào lưới đã giăng sẵn ở cửa hang.
|
Một hang động tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, nơi các nhà khoa học tìm kiếm những loại virus corona mới ở dơi. Ảnh: Smithsonian Institute. |
Sau khi đánh thuốc mê dơi, nhóm nghiên cứu mẫu máu từ cánh, cũng như mẫu nước bọt của chúng. Đây là những mẫu vật rất quan trọng để tìm kiếm những chủng virus corona mới, có thể gây một đại dịch tương tự Covid-19.
Những thợ săn virus
Peter Daszak là một "thợ săn virus". Trong 10 năm nay, ông đã đặt chân tới 20 quốc gia để tìm kiếm những chủng virus nguy hiểm nhất từ dơi. Nhóm nghiên cứu của ông đang tạo ra một thư viện mở các mẫu virus từ động vật, cho phép các nhà khoa học dự đoán các chủng có khả năng lây sang người.
"Chúng tôi đã thu thập hơn 15.000 mẫu từ dơi, giúp tìm thấy khoảng 500 loại virus corona mới", Daszak nói với CNN. Trong số đó, mẫu vật được tìm thấy trên dơi vào năm 2013 có khả năng là thế hệ trước của virus SARS-CoV-2.
|
Quá trình lấy mẫu để tìm virus từ dơi. Ảnh: Smithsonian Institute. |
Virus corona không được quan tâm nhiều trước năm 2003, khi mà chủng SARS-CoV gây ra một đại dịch ở châu Á. Mặc dù đã được phát hiện từ thập niên 1960, tới đầu những năm 2000 mới chỉ có 2 loại virus corona lây sang người được tìm ra.
Tới năm 2009, việc tìm kiếm mới được đẩy mạnh khi Mỹ công bố chương trình tìm kiếm các dịch bệnh nguy hiểm mới PREDICT. Với ngân sách khoảng 200 triệu USD trong 10 năm, những đơn vị phối hợp đã tìm ra thêm 5 chủng virus corona, trong đó có SARS-CoV-2.
Theo ông Daszak, loài dơi có thể mang tới 15.000 virus corona khác nhau. Tới nay, con người chỉ biết khoảng vài trăm chủng. Hệ sinh thái của các quốc gia châu Á rất được quan tâm, với nhiều loại động vật hoang dã. Đây cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
"Các khu vực này có hệ sinh thái hoang dã và đa dạng, lượng người đông và quen sinh hoạt gắn với thiên nhiên, giao thông thuận tiện và buôn bán động vật sống rất nhiều, nên là nơi có nguy cơ truyền nhiễm virus giữa các loại động vật khác nhau", Dawn Zimmerman, trưởng nhóm nghiên cứu tại viện Smithsonian chia sẻ.
Dự án PREDICT có mặt tại tại 31 quốc gia. Một nhóm khác, thuộc Viện Smithsonian, đã bắt đầu làm việc tại Myanmar và Kenya. “Cho đến nay, chúng tôi đã có thể xác định được 6 loại virus mới ở Myanmar”, Suzan Murray, giám đốc Chương trình Sức khỏe Toàn cầu của Viện Smithsonian cho biết.
Loài vật nguy hiểm với con người
Sau khi phân tích mẫu máu của những người sống gần hang dơi ở tỉnh Vân Nam năm 2015, nhóm nghiên cứu của Daszak đã phát hiện ra rằng có 3% số người có kháng thể đối với virus xuất hiện trên cơ thể dơi. Điều đó có nghĩa là họ đã nhiễm virus mà không biết, chuyên gia này nhận xét.
Để lây nhiễm sang cơ thể con người, virus corona cần liên kết với các thụ thể tế báo của chúng ta, và thường lây qua một loài động vật trung gian. Dơi thường là loài trung gian đó vì chúng có rất nhiều virus trong cơ thể, dù virus còn có thể lây thêm một lần nữa qua cầy hương, tê tê hoặc các loại động vật có vú khác như từng xảy ra trong quá khứ.
|
Để bắt được dơi, các nhà khoa học phải giăng sẵn lưới ở cửa hang. Ảnh: Smithsonian Institute. |
“Bởi vì dơi là động vật có vú biết bay, cơ thể chúng phải chịu nhiều áp lực nên thường tạo ra phản ứng cho hệ miễn dịch. Để đối phó với điều này, cơ thể dơi phải giảm bớt hoạt động hệ miễn dịch, điều này khiến chúng dễ bị nhiễm virus hơn”, ông Daszak giải thích.
Dơi chiếm khoảng 20% trong số tất cả các loài động vật có vú sống trong hang động. Điều này cũng khiến chúng dễ lây lan virus hơn các loài vật khác.
Khi nhóm của Daszak thu thập các mẫu vật từ dơi, họ lưu trữ chúng trong hợp chất khí ni-tơ lỏng và gửi đến các phòng thí nghiệm.
Các chuỗi DNA của virus được tìm thấy trong mẫu vật sẽ được so sánh với các hồ sơ lưu trữ trong GenBank, một cơ sở dữ liệu được quản lý bởi Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Mỹ (NCBI) có chứa tất cả các virus trên người và động vật đã được biết đến.
“Một loại virus được coi là mới nếu có hơn 20% DNA của nó khác với các loại virus đã biết trước đây”, Supaporn Watcharaprueksadee, một nhà nghiên cứu thuộc dự án PREDICT đang làm việc tại Thái Lan cho biết.
Các nhà khoa học đôi khi cũng nghĩ rằng họ đã tìm thấy một loại virus mới, nhưng trên thực tế nó đã lây lan trong cộng đồng được một thời gian. Theo Patrick Woo, giảng viên thuộc Đại học Hong Kong, con người mới chỉ biết đến gần một nửa số virus gây ra bệnh viêm phổi.
Năm 2005, Woo đã tìm thấy một loại virus corona mới, thứ được ông gọi là HKU1 ở hai bệnh nhân nhập viện tại Hồng Kông. Tuy nhiên sau đó, ông phát hiện ra rằng loại virus này đã từng xuất hiện tại Mỹ, Úc và Pháp.
Một loại virus khác có thể đã lây sang người mà không ai nhận ra là Nipah. Daszak tin rằng loại virus này xuất hiện vào năm 1998 trong một trận dịch ở Malaysia liên quan đến 105 trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, trên thực tế nó đã lây lan sang người từ rất lâu tại những vùng nông thôn ở Bangladesh.
|
Dự án PREDICT đã giúp tìm ra hàng trăm chủng virus corona mới có thể lây sang con người. Ảnh: Smithsonian Institute. |
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, bà Thạch Chính Lệ, nhà khoa học tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán đã ngay lập tức so sánh virus mới với cơ sở dữ liệu mà cô bà tự biên soạn gồm 500 loài virus mới được xác định bởi EcoHealth Alliance.
Sau đó, bà tìm thấy thông tin liên quan đến một loại virus đã từng xuất hiện trên dơi móng ngựa tại Trung Quốc vào năm 2013 và cho thấy 2 loài virus này giống nhau đến 96.2%. Điều đó có nghĩa là gốc rễ của virus corona đã từng xuất hiện trước đây.
“Rất có khả năng một vật chủ trung gian không phải dơi đã truyền virus sang người, tạo ra tỷ lệ chênh lệch 3.8% trong bộ gen”, ông Daszak cho biết
Việc xác định được nguồn gốc của virus sẽ giúp các nhà khoa học dễ dàng tìm ra vaccine hơn.
"Mẫu máu lấy từ dơi có kháng thể, là thứ giúp chúng kiềm chế được virus. Đây có thể là nền tảng để phát triển vaccine, hoặc sử dụng huyết tương để làm thuốc chữa trị", ông Wang Linfa, nhà virus học tại đại học Duke-NUS, Singapore giải thích.
Quốc Anh/Theo Zing