Thực hư trang phục chống tia tử ngoại ở Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Theo PGS.TS Hồ Sơn Lâm, kết quả phân tích sản phẩm cho thấy đây là... vải thun bình thường.

Không chỉ rao bán hàng trên mạng, sản phẩm quần, áo cùng các phụ kiện "phòng chống tia tử ngoại" cũng được bày bán công khai trong các cửa hàng tại TPHCM. Tuy nhiên, thực tế phân tích của các nhà khoa học cho thấy: Khả năng ngăn tia tử ngoại của các sản phẩm này chỉ từ 16 - 32%, chứ không đạt tới con số xấp xỉ 100% như quảng cáo.

"Chất chống nắng" cách ly tia tử ngoại 

Theo phản ánh của độc giả, ngày 3/4, chúng tôi đến tìm mua các sản phẩm chống nắng "bốn trong một" tại cửa hàng số 46, Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM. Cửa hàng này bày bán đủ các loại quần áo, mũ, khẩu trang, ô, găng tay, váy chống nắng, phục trang chống nắng cho nam, nữ và cả trẻ em. Giá cả sản phẩm thấp nhất cũng vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Với khẩu trang giá thấp nhất hiện có ở cửa hàng là 141.000đ/cái. Riêng hàng găng tay chống nắng mỏng dính nhưng lại được cho là chống tia tử ngoại (UV) tới 98%. Áo khoác chống nắng nữ cao nhất là gần 2 triệu đồng/cái, giá bình thường nhất là hơn 700.000đ/cái.

Chỉ lên tường nơi treo hai tờ giấy, nhân viên bán hàng giới thiệu: "Đây là chứng nhận của Arpansa - cơ quan phòng chống phóng xạ và bảo vệ an toàn hạt nhân của Úc về mẫu sản phẩm đạt độ chống UV. Giấy chứng nhận này đều có đăng trên trang mạng cho khách hàng tiện tra cứu. Sản phẩm ở đây ngăn tia UV 100%. Nếu được làm từ chất liệu polyester thì vải có độ co giãn. Còn loại vải làm từ chất liệu polyamide thì sờ thấy vải thô ráp nhưng thoáng mát nên đắt hơn. Đặc biệt là tất cả các sản phẩm đều có "chất chống nắng" là bột gốm ceramicfiber, có thể giúp người mặc cách ly được tia UV và hạn chế nóng".

Trước câu hỏi: "Thành phần ceramicfiber có bao nhiêu % trong mỗi sản phẩm?",  nhân viên bán hàng trả lời mơ hồ: "Tỷ lệ ceramicfiber dệt vào cũng không biết được bao nhiêu vì Arpansa đã kiểm định và cấp chứng nhận là sản phẩm chống tia tử ngoại đạt hiệu quả. Thành phần này trong sản phẩm vừa đủ cho chống nắng. Chỉ cần nhìn chỉ số trên mỗi sản phẩm có ghi UPF 30, nghĩa là tỷ lệ chắn tia UV từ 95,9 - 97,4%, UPF 45 thì tỷ lệ che tia UV sẽ đạt 98%, còn nếu sản phẩm ghi UPF 50+ thì khả năng chống nắng lên tới hơn 98%!".

Những chiếc áo chống nắng "4 trong 1" với giá gần 2 triệu đồng.

Khả năng chống nắng chỉ từ 16 - 32%

Để có được thông tin khách quan về các sản phẩm nói trên, chúng tôi đã mua đôi găng tay chống UV màu xám chỉ số UPF 50+, tỷ lệ che UV tới 98,57%, giá bán 206.000đ/đôi để tiến hành phân tích khả năng phản xạ tia UV. Mẫu được phân tích bằng máy đo phản xạ tia UV tại Viện Vật liệu Ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam). Kết quả cho thấy, khả năng ngăn tia UV của sản phẩm chỉ đạt 16 - 32%, vùng chống được tia UV cao nhất là 32%, chứ không đạt tới con số xấp xỉ 100% như quảng cáo. 

ThS Huỳnh Thành Công, Phòng Nghiên cứu tổng hợp Hữu cơ, Viện Vật liệu Ứng dụng cho biết, tia tử ngoại (hay tia cực tím, tia UV) được chia thành ba loại: UVA hay gọi là sóng dài hay "ánh sáng đen", UVB gọi là bước sóng trung bình và UVC gọi là sóng ngắn. Ở một điều kiện lý tưởng chiếu UV vào vật liệu cho tỷ lệ phản xạ UV thấp thì sự hấp thụ và truyền qua sẽ cao. Khả năng tia UV hấp thụ và truyền qua vật liệu vào da người khoảng 68 - 84%.

Từ những quy định các vùng bước sóng của UV so với kết quả đo cho thấy: Khả năng chống UV của sản phẩm chỉ như loại găng tay bình thường bán trên thị trường với giá từ 8.000 - 15.000đ/đôi. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm chống nắng trên thị trường cũng tùy vào vật liệu vải may áo khoác, mũ, khẩu trang, găng tay dầy hay mỏng thì độ hấp thụ tia UV vào da nhiều hay ít. Vấn đề ở đây là nhà cung cấp mập mờ về công năng của sản phẩm để bán cho người tiêu dùng với giá cao. 

Theo PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện Vật liệu ứng dụng TPHCM, kết quả phân tích sản phẩm mà báo mang đến cho thấy đây là vải thun bình thường. Cách quảng cáo như trên là lừa người tiêu dùng. Ngoài ra, việc giám sát chất lượng các sản phẩm bày bán dưới mác công ty nhập khẩu độc quyền hiện chưa được chặt chẽ. Người tiêu dùng do không có thông tin nên đã mua phải sản phẩm thường với giá cao vì tưởng chúng có nhiều tác dụng.
Khả năng chống nắng phụ thuộc chất liệu vải dày hay mỏng. Còn ung thư da vì tia UV thì phụ thuộc vào môi trường sống, khí hậu và khả năng đề kháng của mỗi người...
PGS.TS Hồ Sơn Lâm

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Nhóm PV TSKH