Mỗi ngày, cứ đến giờ nghỉ trưa, các kỹ sư công nghệ trẻ tuổi Trung Quốc đổ ra từ những khu văn phòng của Việt Hải, Thâm Quyến, nhanh chóng tìm cho mình một chỗ ăn trưa trước khi hàng quán chật kín người.
Đây là nơi tập trung của nhiều công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như ông trùm truyền thông Tencent, gã khổng lồ viễn thông ZTE hay công ty chế tạo thiết bị bay không người lái DJI. Do đó, Thâm Quyến được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”.
Trước căng thẳng leo thang của cuộc chiến tranh công nghệ giữa Washington và Bắc Kinh, Thâm Quyến giờ đây bất ngờ trở thành “tâm bão” của cuộc chiến khốc liệt này.
Theo đó, thay vì nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, có vẻ như chính phủ Mỹ đang khơi dậy một cuộc chiến tranh công nghệ với Việt Hải, SCMP nhận định.
Đường phố và các tòa nhà tại đây đều được xây dựng trên cảm hứng công nghệ. Trụ sở chính ban đầu của Tencent nằm trên con đường mang tên “Khoa học và Nghiên cứu”, trong khi trụ sở của DJI nằm trên đường “Công nghệ cao” cách đó khoảng nửa tiếng đi bộ.
Cách Việt Hải 30 phút đi xe là trụ sở của Huawei Technologies, tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, nơi đang nằm giữa "tâm bão" của cuộc chiến tranh công nghệ khốc liệt.
Trước những leo thang khi Mỹ và Trung Quốc liên tục đưa ra các lời đe dọa và trả đũa bằng việc áp thuế lên các hàng hóa xuất khẩu của nhau, Tổng thống Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen, ra lệnh cấm tập đoàn này giao dịch với các công ty công nghệ Mỹ khi chưa được Washington chấp thuận.
Hiện tại, DJI là nơi cung cấp gần 80% các sản phẩm thiết bị bay không người lái cho thị trường Mỹ và Canada. Dù không trực tiếp nêu tên DJI, mới đây, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo các công ty của nước này về những rủi ro bảo mật có liên quan đến thiết bị bay không người lái do Trung Quốc sản xuất.
Bên cạnh những pha tấn công và trả đũa gay gắt từ 2 bên, hiếm có một công ty nào tại Việt Hải vẫn giữ được tình thế “trời yên biển lặng”, tránh được sức nóng từ cuộc chiến công nghệ như Tencent, nhà điều hành nền tảng mạng xã hội WeChat.
Trải qua 4 thập kỷ hình thành và phát triển, Thâm Quyến đã trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc. Từ một ngôi làng chài với 30.000 cư dân, thành phố này đã vươn lên để trở thành siêu đô thị tiên tiến với hơn 13 triệu dân.
Ngoài những cái tên lớn như ZTE, DJI hay Tencent, Việt Hải còn là nơi “cư trú” của hàng chục trung tâm công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu quốc gia cũng như các công ty công nghệ nổi tiếng như Dazu Laser Technology hay Kingdee Software Group.
Giờ đây, Thâm Quyến như đang bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Bởi lẽ, những công nghệ hiện đại bậc nhất Trung Quốc, từ trí tuệ nhân tạo tới thiết bị bay không người lái hay robot đều đã và đang được phát triển tại thành phố này.
"Khu vực công nghệ cao Việt Hải có vị trí vô cùng đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong việc theo đuổi mục tiêu cải tiến công nghệ của Thâm Quyến", Chủ tịch Ma của tập đoàn Tencent cho hay.
Mới đây, trong một giờ nghỉ trưa tại Việt Hải, phóng viên của South China Morning Post đã có cuộc phỏng vấn nhỏ với những nhà khoa học, kỹ sư và lập trình viên suy nghĩ của họ về cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ - Trung hiện nay.
"Trong tình thế này, không có bên nào là người thắng cuộc. Huawei và ngành sản xuất công nghệ cao của Trung Quốc sẽ bị tác động nặng nề nếu cuộc chiến này còn tiếp diễn. Xung đột này bắt nguồn từ tham vọng sở hữu những công nghệ cao độc quyền của Trung Quốc, và điều đó khiến Mỹ cảm thấy bị đe dọa”, một nam kỹ sư giấu tên cho biết.
Một nam lập trình viên cho rằng: “Dù Huawei và một số nhà sản xuất thiết bị phần cứng đang phải gánh chịu những tiêu cực trong tâm bão của cuộc chiến, nếu cuộc chiến này không sớm chấm dứt, Mỹ cũng sẽ không thể tránh khỏi hậu quả. Hiện tại, công ty tôi chưa có động thái sẽ tiến hành sa thải nhân viên nào, tuy nhiên doanh số bán hàng một số sản phẩm đang bị thay đổi và theo đó, chiến lược marketing cũng đang được xem xét lại”.
Nhằm giảm nhẹ tác động của chiến tranh thương mại tới nền kinh tế công nghệ của địa phương, lĩnh vực vốn chiếm tới 40% GDP của thành phố, chính quyền thành phố Thâm Quyến đang cố gắng thực hiện một số biện pháp để hỗ trợ nền công nghệ cao tại đây.
Theo đó, chính quyền thành phố Thâm Quyến cho biết sẽ giảm thuế thu nhập cá nhân hàng năm từ mức 45% xuống 15% đối với một số chuyên gia có chuyên môn giỏi nhằm duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo Phó thị trưởng Thâm Quyến Wang Lixin, thành phố sẽ sử dụng ngân sách để bù đắp cho khoản thâm hụt thuế.
Năm 2017, tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE cũng đã suýt sụp đổ vì bị chính quyền Trump cấm mua linh kiện Mỹ. Chính quyền Trump dỡ bỏ quyết định sau khi ZTE chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD và chịu sự giám sát của Bộ Thương mại Mỹ.
Kể từ đó, ông Tập Cận Bình đã đưa ra lời kêu gọi dốc toàn bộ sức lực cho mục tiêu tự chủ về khoa học công nghệ cao. Lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc càng mạnh mẽ hơn khi Huawei bây giờ đã lâm vào tình cảnh tương tự như ZTE, khi bị Mỹ “triệt” đường tiếp cận với công nghệ của nước này.
"Tôi nghĩ hành động của chính phủ Mỹ thật độc ác", một nữ lập trình viên nói. "Tôi không nghĩ việc ông Trump đang làm là nhìn xa trông rộng. Xu hướng toàn cầu hóa không thể bị đảo ngược bởi quyết định này".
Vài người khác tỏ ra lạc quan hơn. "Phàn nàn hay giận dữ không thể giải quyết được vấn đề, việc chúng ta có thể làm là phát triển nên nền tảng công nghệ của chính mình. Nếu không, chúng ta sẽ mãi mãi bị Mỹ kìm hãm".
Theo Zing