Các nhà nghiên cứu đã thu thập những bằng chứng về chế độ ăn uống cổ xưa qua nghiên cứu hài cốt con người được khai quật từ Hang Taforalt ở Maroc.
Các nhà khoa học đã phân tích các dấu hiệu hóa học được lưu giữ trong xương và răng của ít nhất bảy người Iberomaurusian và phát hiện ra rằng thực vật, chứ không phải thịt, mới là nguồn protein chính trong chế độ ăn uống của họ.
Một chiếc răng người được khai quật từ Hang Taforalt ở Maroc cho thấy răng bị mòn và sâu răng nghiêm trọng. Heiko Temming - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Géosciences Environnement Toulouse, một viện nghiên cứu ở Pháp và Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức, cho biết: “Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng những nhóm săn bắt hái lượm này đã đưa thực vật hoang dã vào chế độ ăn của họ. Điều này đã thay đổi hiểu biết của chúng ta về chế độ ăn của các nhóm dân cư thời tiền nông nghiệp”.
Nghiên cứu chỉ điều tra chế độ ăn uống của một nhóm người săn bắn hái lượm thời đồ đá. Tuy nhiên, một nghiên cứu tương tự được công bố vào tháng 1 năm nay phân tích hài cốt của 24 người đầu tiên từ hai khu mộ ở Peru có niên đại từ 9.000 đến 6.500 năm trước – tiết lộ rằng chế độ ăn cổ xưa ở dãy Andes bao gồm 80% thực vật và 20% thịt.
Một nghiên cứu vào tháng 11 năm 2022 tiết lộ rằng người Neanderthal và Homo sapiens sơ khai là những người nấu ăn tinh tế, kết hợp các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như các loại hạt dại, đậu Hà Lan, đậu tằm, đậu lăng và mù tạt dại.
Theo Tiền phong