Lỗ hổng khổng lồ trong bầu khí quyển sao Hỏa cứ 2 năm lại mở ra một lần, hút nguồn nước vốn đã hạn chế của hành tinh này ra ngoài không gian và đổ phần nước còn lại xuống các cực của nó, được nhận định là nguyên nhân khiến sao Hỏa mất nước.
Nhận định trên được đưa ra sau khi nhóm các nhà khoa học Nga và Đức nghiên cứu về vận động khác thường của nước trên Hành tinh Đỏ. Các nghiên cứu trước đó đều phát hiện có hơi nước bay cao trong bầu khí quyển và dịch chuyển đến các cực của hành tinh. Nhưng cho đến nay vẫn không có lời giải thích hợp lý nào cho cách thức hoạt động của chu kỳ nước trên đó hay tại sao hành tinh từng có thể đẫm nước này lại khô khốc như hiện tại.
Sự hiện diện của hơi nước ở trên cao bầu khí quyển của sao Hỏa gây khó hiểu bởi tầng trung lưu của sao Hỏa quá lạnh để duy trì hơi nước, không rõ nước đã vượt qua hàng rào ở giữa đó như thế nào.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, hiện tượng trên có thể liên quan đến hai quá trình khí quyển độc nhất của sao Hỏa. Quỹ đạo của hành tinh Đỏ lệch tâm hơn nhiều so với Trái đất, nên nó gần với Mặt trời hơn trong mùa hè ở bán cầu Nam của nó. Vì vậy, mùa hè trên phần này của sao Hỏa nóng hơn nhiều so với mùa hè ở Bắc bán cầu.
Kết quả, một lỗ lớn được mở ra trong tầng trung lưu của sao Hỏa ở độ cao vào khoảng giữa 60 tới 90km, cho phép hơi nước đi qua và thoát vào tầng khí quyển bên trên, còn ở thời điểm khác, việc thiếu ánh sáng Mặt trời ngăn chặn gần như hoàn toàn chu kỳ nước của sao Hỏa.
Mời quý vị xem video: 5 bí ẩn trên sao Hỏa được NASA ghi lại. Nguồn video: Chuyện lạ kỳ thú
Sao Hỏa cũng thường xuyên chìm trong những cơn bão bụi khổng lồ. Những cơn bão làm mát bề mặt hành tinh bằng cách chặn ánh sáng. Ánh sáng không chiếu tới bề mặt sao Hỏa thay vào đó bị mắc kẹt trong bầu khí quyển, làm ấm nó và tạo điều kiện phù hợp hơn cho việc di chuyển nước xung quanh, theo mô phỏng của các nhà khoa học.
Khi bão bụi diễn ra, các hạt băng nước nhỏ hình thành xung quanh các hạt bụi. Những hạt băng nhẹ đó trôi vào bầu khí quyển bên trên dễ dàng hơn so với các dạng nước khác, nước di chuyển nhiều hơn vào bầu khí quyển bên trên.
Các cơn bão bụi có thể dịch chuyển nhiều nước hơn vào bầu khí quyển bên trên so với hiện tượng xảy ra vào mùa hè Nam bán cầu.
Khi nước vượt qua tầng trung lưu, một số nước trôi về phía Bắc và phía Nam, hướng về phía các cực, nơi cuối cùng nó sẽ lắng đọng. Tuy nhiên, ánh sáng cực tím trong bầu khí quyển bên trên cũng có thể cắt đứt liên kết giữa oxy và hydro trong các phân tử, khiến hydro thoát ra ngoài không gian, bỏ lại oxy.
Quá trình đó phần nào có thể lý giải được lý do tại sao hành tinh vốn từng ngập nước này lại khô cạn như bây giờ.
Lưu Thoa (theo Livescience)