Thêm vào đó, Hội từ thiện sức khỏe toàn cầu Wellcome Trust (Anh) đưa ra dự án trị giá 102 triệu USD để tìm ra phương thức chữa trị rắn độc cắn hiện đại và hiệu quả hơn. Dự án trên nhằm mục đích cải thiện nguồn cung thuốc đặc trị rắn cắn - phương pháp duy nhất để trị vết thương do rắn gây ra, cũng như chế tạo ra loại thuốc mới và hiệu quả hơn trong tương lai.
Ông Philip Price, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về những vết thương do rắn cắn, cho biết rắn độc gây ra cái chết cho khoảng 120.000 người/năm, hầu hết là ở những cộng đồng dân cư nghèo nhất tại các vùng nông thôn châu Phi, châu Á, Nam Mỹ.
Ngoài ra, theo ông Philip Price, còn 400.000 nạn nhân khác bị các thương tật suốt đời như cụt tứ chị - tình cảnh có thể đẩy các gia đình túng quẫn vào cảnh nghèo đói hơn.
Ông David Lalloo, Hiệu trưởng Trường Y Nhiệt Đới Liverpool (Anh), cho biết hiện nay, kỹ thuật điều trị dựa trên một quy trình cũ kỹ đã có hàng trăm năm, việc thiếu kinh phí đã gây ra những hạn chế cho nghiên cứu khoa học. Điều đó dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng trong sự phát triển của ngành y, gây ra những cái chết không đáng có.
Liều thuốc duy nhất dùng để chữa trị hiện tại là chất kháng nọc độc, được sản xuất bằng cách tiêm vào cơ thể ngựa một lượng nọc rắn loãng vô hại. Con vật trải qua quá trình phản ứng miễn dịch với chất độc, sinh ra kháng thể chống lại chất độc. Những kháng thể này sau đó được lấy từ máu của con vật và dùng để chữa trị khi bị rắn độc cắn.
Đây là công nghệ của thế kỷ XIX, có nguy cơ nhiễm trùng cao và gây phản ứng phụ. Mặt khác, nạn nhân cần phải được điều trị trong bệnh viện nhưng bệnh viện lại thường cách xa nông thôn, nơi họ bị rắn độc cắn. Như thế, phương pháp điều trị thường rất đắt tiền đối với nạn nhân và thường chậm trễ.
Theo NLĐ