|
Ảnh vệ tinh |
Tiểu hành tinh 2012 TC4 có đường kính ước tính từ 10 đến 30 m sượt qua Trái Đất hôm 12/10, ở khoảng cách 43.452 km, bằng 1/9 khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng, theo Long Room.
Dù tiểu hành tinh không đâm vào Trái Đất trong lần này, các chuyên gia cảnh báo chúng ta có thể sẽ không gặp may như vậy trong tương lai. Trong lần 2012 TC4 bay vào năm 2079, giới nghiên cứu dự đoán có thể tiểu hành tinh này sẽ va chạm với Trái Đất và khả năng điều này trở thành hiện thực là 1/750.
Những lần 2012 TC4 đến gần Trái Đất trong tương lai rơi vào các năm 2019, 2050 và 2079, trong đó vào năm 2019 và 2050, tiểu hành tinh sẽ bay qua hành tinh của chúng ta ở khoảng cách an toàn.
“Hiện nay, chúng tôi biết tiểu hành tinh sẽ không đâm vào Trái Đất trong năm 2050, nhưng lần bay sượt qua đó có thể khiến tiểu hành tinh di chuyển chệch đi đủ để đâm vào Trái Đất năm 2079”, Rudiger Jehn, nhà phân tích phi vụ ở Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), cho biết.
Lần bay qua gần nhất của 2012 TC4 mang đến cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cơ hội để kiểm tra mạng lưới đài quan sát thuộc hệ thống phòng thủ hành tinh, để đề phòng tiểu hành tinh đâm trúng Trái Đất.
Các nhà khoa học ESA theo dõi tiểu hành tinh to ngang một tòa nhà qua kính viễn vọng Very Large Telescope ở Đài quan sát miền nam châu Âu ở Chile trong suốt mùa hè năm nay. Hai đợt quan sát gần nhất vào các hôm 27 - 31/7 và 5/8, cho thấy 2012 TC4 sẽ bay qua ở khoảng cách bằng 1/8 quãng đường từ Mặt Trăng đến Trái Đất.
Nếu 2012 TC4 đâm vào Trái Đất, nó sẽ gây ra thảm họa lớn hơn nhiều so với lần tiểu hành tinh rộng 18 m nổ tung trên bầu trời thành phố Chelyabinsk ở Nga năm 2013.
Theo Khoahocvaphattrien