Mời quý độc giả xem video: Khám phá 7 bãi biển nguy hiểm nhất thế giới
|
|
Mới đây, Sputniknews có một bài viết về một loại sóng sát thủ, cao hàng chục mét, có khả năng "nuốt gọn" và nhấn chìm tàu thuyền xuống dòng nước dữ khi di chuyển trên vùng đại dương sâu thẳm.
Vấn đề là, từ trước đó rất lâu, người ta không tin vào sự tồn tại của sóng sát thủ, mặc dù đã từng có ghi chép của nhà thám hiểm người Ý Christopher Columbus năm 1498 về con sóng cao hung tợn ở vùng eo biển mà về sau ông gọi với cái tên "Bocas del Dragón" (tạm dịch: Miệng Rồng).
Bởi, họ cho rằng, sóng sát thủ chỉ là sự ảo tưởng của những người đi biển, vì sự xuất hiện của nó không tuân theo bất kỳ quy luật sóng biển nào, và cũng không có đầy đủ bằng chứng chứng minh nó tồn tại và đe dọa đến tính mạng con người và tàu thuyền.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu công bố tháng 6/2008 của dự án MAXWAVE (Sóng cực đại) thuộc Viện kỹ thuật biển (ICR) của Đức phối hợp với 2 vệ tinh của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã ghi nhận được những ngọn sóng sát thủ có chiều cao hơn 25m xuất hiện trên đại dương.
|
"Sóng sát thủ" khiến tàu thuyền mất tích trên đại dương. Ảnh minh họa |
Phát hiện này khiến các nhà khoa học phải nhìn nhận lại nguyên nhân khiến cho hơn 200 siêu tàu vận tải mất tích bí ẩn trong suốt 20 năm qua. (Số liệu do Viện kỹ thuật biển (ICR) Đức đưa ra).
Giới khoa học bắt đầu tin vào sự tồn tại của sóng sát thủ. Theo đó, Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) dẫn lời các nhà khoa học nói về khái niệm của sóng sát thủ: Rogue wave là sóng độc hay sóng sát thủ/hoặc Monster wave (sóng quái vật) là một loại sóng xuất hiện bất ngờ, đơn độc trên biển ở vùng nước sâu, có kích thước khổng lồ, cao từ 20 đến 30m, giống như một bức tường nước khổng lồ.
Loại sóng sát thủ này hoàn toàn có thể trở thành mối hiểm họa khôn lường đối với tàu thuyền, thậm chí là những siêu tàu vận tải có kích thước lớn.
Giới khoa học vẫn chưa biết chính xác sóng sát thủ hình thành thế nào và phải làm gì để dự đoán sự xuất hiện của chúng. Sóng trên đại dương hình thành khi gió thổi trên mặt nước. Gió càng mạnh thì sóng càng cao. Điều đó giải thích tại sao những cơn bão lớn có thể tạo nên những tường nước cao ngút. Ngược lại, sóng thần không tạo nên sóng sát thủ. Trên thực tế, sóng thần hiếm khi gợn trên đại dương mà chúng chỉ thể hiện sức mạnh hủy diệt khi tiến tới đất liền gần bờ biển.
Sóng sát thủ thường xuất hiện ở vùng nước mở - nghĩa là không bị bao vây bởi núi hay đất liền – trên đại dương. Rất có thể chúng được sinh ra bởi sự kết hợp của hàng loạt nhân tố như gió mạnh, những dòng hải lưu di chuyển nhanh. Thậm chí những con sóng nhỏ cũng có thể tạo nên bức tường nước khổng lồ nếu chúng kết hợp với nhau. Một sự thay đổi nhỏ trong tốc độ gió cũng có thể gây nên sóng sát thủ. Một số vùng nước có các dòng hải lưu mạnh trên đại dương, chẳng hạn như khu vực gần bờ biển châu Phi, có nhiều sóng sát thủ hơn những vùng nước khác.
Theo Lê Cao/VietQ