Vào tháng 11 năm 2019, mèo hoang mạc một lần nữa xuất hiện ở dãy núi Qilian. Đây là lần thứ hai các nhà nghiên cứu chụp được ảnh của loài mèo này trong năm 2019. Nhìn những bức ảnh của mèo hoang mạc, có người cho rằng nó đáng yêu dễ thương, cũng có người cho rằng nó là một loài vật lạnh lùng. Một số người nói rằng nó trông rất giống một con mèo nhà, những người khác nói rằng nó trông hơi giống một con linh miêu.
"Mèo" ở đây không chỉ họ mèo, mà là phân họ mèo. Họ mèo được chia thành phân họ báo (sư tử, hổ, báo, v.v.) và phân họ mèo. Phân họ mèo được chia thành 12 chi trong đó mèo hoang mạc và mèo nhà cùng thuộc chi mèo. Các thành viên của phân họ mèo là họ hàng gần nhất của mèo nhà, trong đó mèo hoang mạc nặng từ 4,1-9 kg, và là loài mèo "lớn" thứ hai sau mèo ri (3-13 kg). Các thành viên khác của chi này còn có hai loài mèo vô cùng nhỏ bé là mèo sa mạc (1,4-3,4 kg) và mèo chân đen (1,1-2,4 kg).
Trong chi mèo, mèo hoang mạc và mèo nhà là có quan hệ họ hàng thân thiết nhất. Mèo nhà được thuần hóa từ mèo rừng, cụ thể là chúng có nguồn gốc từ mèo rừng Châu Phi, không phải mèo rừng Châu Á có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng mèo nhà, mèo hoang và mèo hoang mạc có quan hệ họ hàng rất mật thiết với nhau, do đó ranh giới giữa chúng rất khó xác định và chúng có thể giao phối tự do với nhau mà không có sự cách ly sinh sản. Để mô tả chính xác mối quan hệ giữa chúng, các nhà khoa học đã đưa ra khái niệm "phức hợp loài", mèo hoang mạc và mèo rừng,… đều thuộc vào loại này. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi thấy mèo hoang mạc trông giống mèo nhà.
Bộ lông của mèo hoang mạc có màu vàng cát, không sẫm màu như một số loài mèo hoang; bộ lông sau có màu xám đen, giống như màu lông của mèo mướp. Ngoài ra, mặc dù mèo hoang mạc có một số sọc trên mặt, nhưng chúng có màu xỉn và không rõ ràng như mèo hoang; điều này cũng đúng với các họa tiết vòng trên chân của chúng.
Tai của mèo hoang mạc nhọn và có một chùm lông đen ở đầu tai, giống mèo rừng Châu Phi, nhưng khác với tai tròn của mèo rừng Olin (mèo rừng Châu Âu) và mèo rừng Châu Á. Đó là do môi trường sống của mèo hoang mạc và mèo rừng Châu Phi thoáng đãng hơn, nên những chùm lông này có tác dụng hỗ trợ thính giác.
Đuôi của mèo hoang mạc ngắn hơn của một số mèo hoang, chỉ khoảng 45% chiều dài cơ thể, trong khi đuôi của một số mèo hoang có thể dài tới 50-60%. Đuôi của những con vật này có các vân vòng đặc biệt. Điểm khác biệt là phần đuôi của mèo hoang mạc rất dày, lông đuôi dài và bồng bềnh . Mèo rừng Châu Á và mèo rừng Châu Phi có lông đuôi tương đối ngắn, trông có vẻ rất mỏng, mặc dù lông đuôi của Olin dài nhưng chúng không bông như mèo hoang mạc. Đối với mèo hoang mạc sống trên núi cao, chiếc đuôi to giống như một chiếc chăn bông ấm áp, khi cuộn tròn lại, chiếc đuôi có thể trùm kín cơ thể để giữ ấm.
Trên thực tế, mèo hoang mạc là loài mèo đặc hữu của miền tây Trung Quốc, chúng sinh sống tại những vùng núi có độ cao 2500 - 5000 mét so với mực nước biển. Hơn nữa, mèo hoang mạc thích sinh sống trong môi trường đồng cỏ núi cao. Do đó, khu vực phân bố của chúng rất hẹp, chỉ giới hạn ở phần đông bắc của Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng, và không được tìm thấy ở các khu vực khác của cao nguyên.
Về phạm vi phân bố của mèo hoang mạc, giới học thuật có hai quan điểm khác nhau. Một quan điểm cho rằng mèo hoang mạc chỉ được tìm thấy ở Thanh Hải, tây Tứ Xuyên và nam Cam Túc. Một quan điểm khác cho rằng chúng cũng được tìm thấy ở những khu vực rộng lớn của sa mạc Gobi ở bắc Cam Túc, Tân Cương, Nội Mông và Ninh Hạ. Theo tài liệu nghiên cứu những năm gần đây, mèo hoang mạc chưa từng được tìm thấy ở Nội Mông và Tân Cương, còn Cam Túc thì chỉ có ở dãy núi Qilian.
Vì mèo hoang mạc có quan hệ mật thiết với mèo hoang và mèo nhà nên chúng thường không được xem là một loài độc lập. Lý do thứ nhất là mèo hoang mạc tách ra khỏi mèo hoang rất muộn, thời gian tiến hóa độc lập rất ngắn, chỉ khoảng 230.000 năm, do đó để xem chúng là loài độc lập thì khoảng thời gian này còn hơi sớm. Thứ hai, từ kết quả phân tích microsatellite cho thấy mèo hoang mạc và mèo rừng Châu Á là nhóm chị em, và mối quan hệ của chúng với mèo rừng Châu Á gần gũi hơn so với mèo hoang ở các vùng khác.
Trên thực tế, việc mèo hoang mạc được kết hợp thành mèo hoang hay là một loài độc lập chỉ phụ thuộc vào những khái niệm mà con người dùng để xác định loài.
Mèo hoang mạc nuôi đàn con trong hang, tránh kẻ thù trong đó hoặc sử dụng chúng để nghỉ ngơi tạm thời. Chúng chủ yếu sử dụng các hang đá tự nhiên tương đối sâu, tổ nằm ở nơi sâu nhất của hang và chứa đầy lông hoặc xương vụn của thỏ rừng và chim. Mèo hoang mạc sinh con từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm. Từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm là thời kỳ sinh trưởng sau khi mèo con cai sữa, mèo mẹ phải dạy mèo con cách bắt chuột để tạo nền tảng cho sự sống độc lập sau này.
Theo ước tính của IUCN, có khoảng 9.999 con mèo hoang mạc trên thế giới (tôi thực sự không biết làm thế nào IUCN đưa ra một số liệu như vậy). Do phân bố hẹp và số lượng vẫn đang giảm, IUCN đã đánh giá đây là loài dễ bị tổn thương và triển vọng không mấy lạc quan.
Việc nuôi và nhân giống mèo hoang mạc hiện nay cũng không mấy khả quan. Con mèo hoang mạc bị nuôi nhốt đầu tiên trên thế giới được trưng bày tại Sở thú Bắc Kinh vào năm 1974. Đó là một con mèo cái nặng 6,5 kg; sau đó công viên nuôi thêm một con mèo đực nặng 9 kg. Nhưng hai con mèo này không phối giống thành công, và lần lượt chết theo thời gian. Vườn thú Tây Ninh Trung Quốc có thời điểm đã nuôi hơn 10 con mèo hoang mạc, nhưng sau hơn chục năm nuôi và nhân giống thì vẫn không có tiến triển gì, và sau đó chúng cũng lần lượt chết vì tuổi già sức yếu.
Theo Đức Khương/Báo Tổ quốc