Theo Daily Mail, một nghiên cứu mới ở Mariana, rãnh nứt đại dương sâu nhất hành tinh, cho thấy lượng nước bị hút xuống dưới lớp vỏ Trái đất gấp 3 lần so với tính toán trước đây.
|
Lượng nước khổng lồ trên bề mặt không ngừng được Trái đất hấp thụ. |
Theo tính toán mới, 3 tỷ teragram nước bị hấp thụ vào vỏ Trái đất mỗi một triệu năm. Mỗi teragram tương đương với 1 tỷ kg (1 triệu tấn ).
“Khi các mảng kiến tạo trượt lên nhau, những phân tử nước thừa cơ di chuyển sâu vào bên trong vỏ Trái đất. Nhưng mọi người không biết rõ bao nhiêu nước đã mất đi”, Chen Cai, người dẫn đầu nghiên cứu ở Đại học Washington nói.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu thu thập từ 19 cảm biến động đất đặt tại rãnh Mariana.
Đồng thời, họ thu thập và phân tích số liệu về nhiệt độ và áp suất ở khu vực trong một khoảng thời gian dài để đưa ra phán đoán.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy lượng nước hấp thụ vào vỏ Trái đất lớn hơn nhiều và cũng được đưa vào trong lớp vỏ Trái đất ở độ sâu đáng kể”, chuyên gia Candace Major nói.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng lượng nước không ở mãi bên dưới mà thường được đưa lên trở lại mặt đất thông qua các đợt núi lửa phun trào.
Con số 3 tỉ teraram lại là quá lớn so với lượng nước trung bình do núi lửa phun trào, khiến các nhà khoa học đặt câu hỏi rằng lượng nước đã mất đi đâu.
Theo nhóm nghiên cứu, áp lực cao và điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt khiến nước bị kẹt lại ở những khối đá, khi chảy xuống lớp vỏ Trái đất. Nhưng các nhà khoa học chưa thể biết được lớp vỏ Trái đất đang giữ lượng nước lớn đến mức nào, hoặc sâu đến đâu.
Ở quy mô toàn cầu, lượng nước mất đi gấp 3 lần so với những nghiên cứu trước đây. Nhưng chuyện gì xảy ra với nước khi nó hấp thụ vào vỏ Trái đất thì vẫn còn là bí ẩn.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt