Công nghệ trợ lý AI trên ô tô tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phản ánh xu hướng chuyển đổi số toàn cầu. Các giải pháp nội địa như Vivi, GotechGPT và Kiki Auto không chỉ cải thiện trải nghiệm lái xe mà còn đặt nền móng cho một kỷ nguyên xe thông minh tại thị trường trong nước.
Xu hướng công nghệ mới
Sự xuất hiện của các ứng dụng trợ lý ảo trên ô tô cho thấy Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn có khả năng sáng tạo các sản phẩm công nghệ cao. Theo đánh giá của giới chuyên gia, với sự đầu tư và cải tiến liên tục, tiềm năng phát triển của lĩnh vực này là rất lớn, mở ra cơ hội cạnh tranh trên sân chơi toàn cầu.
Đầu tiên có thể kể đến Kiki Auto, trợ lý ảo tiếng Việt do Zalo AI phát triển, ra mắt vào cuối năm 2020. Sau 4 năm phát triển, Kiki Auto đã đạt 1 triệu lượt cài đặt và sử dụng trên ô tô tại Việt Nam. Ứng dụng này được người dùng đánh giá cao nhờ khả năng phản hồi nhanh, chính xác các yêu cầu nghe nhạc, chỉ đường và điều khiển trên xe hơi. Ngoài ra, Kiki Auto đã nâng cấp tính năng cảnh báo tốc độ, hỗ trợ dùng thử đến tháng 3/2025, nhằm đáp ứng nhu cầu của người lái ô tô tại Việt Nam.
|
Gotech tiên phong trong việc đưa ChatGPT lên trợ lý ô tô. |
Tốn kém hơn một chút, người dùng có thể tiếp cận GotechGPT, trợ lý ảo được phát triển bởi Gotech. Ứng dụng này có thể tích hợp các thiết bị phần cứng như màn hình Android, cảm biến áp suất lốp và camera hành trình. Sử dụng nền tảng ChatGPT, GotechGPT hỗ trợ các tác vụ như dẫn đường, phát nhạc và cung cấp giải pháp thông minh, cá nhân hóa cho người dùng.
Đối với dạng “đi liền nguyên bản” người dùng xe điện quốc nội đã quá quen thuộc với trợ lý AI Vivi của Vinfast. Đây là trợ lý ảo tiếng Việt được VinFast phát triển dành riêng cho các dòng ô tô của hãng. Được tích hợp công nghệ AI tạo sinh, ViVi hiện đang ở phiên bản 2.0 tương tác tự nhiên và liền mạch hơn, cùng kho tri thức đa dạng và tính cá nhân hóa cao.
Chuyên gia “soi” ưu, nhược điểm
Giới công nghệ nhận định, sự khác biệt giữa ba sản phẩm nêu trên không chỉ nằm ở chức năng mà còn ở tầm nhìn. Các ứng dụng AI này, nhờ lợi thế nội địa đã nhanh chóng phổ biến trên các xe ô tô của người Việt. Ưu thế này chủ yếu đến từ khả năng nhận diện, xử lý giọng nói và ngôn ngữ địa phương. Các trợ lý thông minh ngoại chưa thực sự giúp ích được người dùng Việt bởi những hạn chế về ngôn ngữ, giao tiếp.
|
Kiki Auto với tính linh hoạt, dễ sử dụng đã tiếp cận hơn 1 triệu lượt tải về từ người dùng Việt. |
Tuệ Minh - chủ kênh review đồ chơi công nghệ dành cho ô tô chia sẻ: “Các ứng dụng trợ lý AI nội địa Việt đang phổ biến hơn cả Google Maps trên các xe ô tô. Nguyên nhân chính là các ứng dụng này được phát triển với giọng nói gần gũi, tự nhiên và thông minh hơn rất nhiều”.
BMW có trợ lý Intelligent Personal Assistant, Mercedes-Benz có trợ lý MBUX Voice Assistant… “Nhưng đừng ngạc nhiên nếu thấy Kiki chạy trên một chiếc BMW” - anh Trần Hùng, chủ một cơ sở chuyên độ xe tại Đà Nẵng nói.
Là một ứng dụng plug-and-play, Kiki của Zalo AI dễ dàng cài đặt trên màn hình giải trí của xe mà không cần thêm bất kỳ thiết bị phần cứng nào. Thậm chí, nếu xe không có cả màn hình thì Kiki cũng có thể làm việc trên smartphone và tương tác với người dùng qua kết nối bluetooth, tương thích với Android Auto hay Apple Carplay.
Điểm mạnh nhất của Kiki Auto là tính tiện lợi và giá thành hợp lý. Ứng dụng này không yêu cầu kết nối mạng liên tục, nhờ vậy, ngay cả khi bạn lái xe ở những khu vực có sóng yếu. Nhờ vào những thông tin công khai, Kiki Auto cũng có thể hỗ trợ tra cứu phạt nguội, thông tin giới hạn tốc độ hay những tiện ích mở rộng khác như thông tin thời tiết.
Nhiều tài xế công nghệ cũng đánh giá cao Kiki. Anh Nguyễn Văn Duy, tài xế Grab tại Đà Nẵng, chia sẻ: “Tôi sử dụng Kiki để dẫn đường và nghe nhạc trong lúc lái xe. Ứng dụng này rất dễ dùng, không phức tạp như các hệ thống tích hợp sẵn”. Tuy nhiên, anh cũng chỉ ra rằng Kiki không thể điều khiển các tính năng phần cứng của xe, điều mà hầu như các hệ thống AI trên ô tô khác có thể làm tốt hơn.
Trong khi đó, với con át chủ bài GotechGPT, Gotech chọn cách xây dựng một hệ sinh thái mở, tập trung vào việc tích hợp trên mọi dòng xe thông qua các thiết bị phần cứng như màn hình Android, cảm biến áp suất lốp và camera hành trình. Điều này giúp GotechGPT trở thành lựa chọn hàng đầu cho những tài xế muốn nâng cấp xe cũ thành "xe thông minh".
|
Vinfast Vivi tích hợp AI tạo sinh với nguồn dữ liệu khổng lồ là lá bài chiến lược của hãng. |
Được phát triển dựa trên nền tảng ChatGPT, GotechGPT có khả năng tương tác tự nhiên và đa nhiệm vượt trội. Chuyên gia AI Hoàng Tùng, Công ty Viet AI Challenge, nhận xét: “GotechGPT không chỉ dừng ở việc hỗ trợ lái xe mà còn cung cấp thông tin phong phú nhờ vào nền tảng từ OpenAI. Người dùng có thể hỏi mọi thứ, từ thời tiết đến cách xử lý tình huống khẩn cấp.”
Người dùng thực tế cũng đánh giá cao tính linh hoạt của hệ sinh thái này. Chị Nguyễn Thị Thanh, một chủ xe Mazda tại TP HCM cho biết: “Tôi đã lắp màn hình Gotech trên xe và rất hài lòng. GotechGPT giúp tôi lái xe an toàn hơn, đặc biệt khi di chuyển xa”. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận rằng chi phí ban đầu cho các thiết bị là không rẻ: “Nếu chỉ dùng để dẫn đường hay phát nhạc, tôi nghĩ Kiki Auto sẽ kinh tế hơn”.
Trong cuộc đua ứng dụng AI, VinFast cũng sớm nhìn thấy tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong việc nâng cao trải nghiệm người lái. Là sản phẩm của VinBigData, Vivi được thiết kế để trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xe điện thông minh của VinFast.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Long đánh giá: “Việc tích hợp sâu giúp Vivi tận dụng tối đa các tính năng phần cứng của xe. Đây là điều mà các ứng dụng bên thứ ba khó có thể làm được.”
Vivi không chỉ dừng lại ở việc dẫn đường hay điều khiển giọng nói, mà còn có khả năng điều khiển trực tiếp các hệ thống của xe như điều hòa, cửa sổ, ghế ngồi. Khi bạn nói "Hạ nhiệt độ xuống 22 độ" hoặc "Mở cửa sổ bên lái", Vivi thực hiện ngay lập tức mà không cần qua bất kỳ ứng dụng trung gian nào.
Với việc xây dựng Vivi, VinFast đang đi theo xu hướng mà các hãng xe lớn trên thế giới như Tesla và BMW đã áp dụng: Tạo ra một hệ sinh thái AI khép kín, nơi chiếc xe không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là một trung tâm thông minh di động. Chuyên gia ô tô Chu Hữu Thọ, chủ kênh Autobikes cho rằng, trợ lý ảo là nâng cấp mang tính đột phá trên VF8 Lux, nhưng: “Nếu VinFast có thể mở rộng tính năng này cho các dòng xe rẻ tiền hơn của hãng thì chắc chắn sẽ được đón nhận rộng rãi hơn”.
Nhìn chung, sự khác biệt trong cách tiếp cận khiến cả ba ứng dụng đều có ưu và nhược điểm riêng. Các bản cập nhật mới được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế và mở rộng khả năng của từng ứng dụng. Với người dùng xe VinFast, Vivi là lựa chọn đương nhiên, đặc biệt với những ai đánh giá cao sự tích hợp sâu và khả năng điều khiển thông minh. Nếu sở hữu xe của hãng khác và muốn nâng cấp toàn diện, GotechGPT là giải pháp đáng đầu tư. Trong khi đó, nếu khách hàng chỉ cần một trợ lý ảo đơn giản, dễ sử dụng và tiết kiệm, Kiki Auto có lẽ sẽ là lựa chọn hợp lý.
Dù chọn ứng dụng nào, điều quan trọng là người dùng Việt đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam. Trợ lý ảo AI không chỉ là một công cụ hỗ trợ, mà còn là cầu nối giữa con người và công nghệ, mang lại sự an toàn và tiện lợi trên mỗi hành trình.
AI trên ô tô tăng trưởng kép
Theo tổ chức Simplilearn đã công bố các dự báo cho rằng, ứng dụng AI trong công nghiệp ô tô sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 40% và sẽ đạt giá trị 15,9 tỷ đô la vào năm 2027. Điều này chứng minh một nhu cầu thiết thực và cấp bách của thế giới đối với trí tuệ nhân tạo trên ô tô.
Ngoài các nền tảng chung như Apple Carplay, Google Android Auto hay Alexa của Amazon, các hãng xe đang tích cực phát triển trợ lý AI riêng tích hợp sẵn trên sản phẩm cao cấp. Tiêu biểu trong số này, đi đầu là Tesla, tiếp đến là BMW, Mescedes-Benz và Volvo.
Tuệ Minh