Theo Heritage Daily, anh Suleiman al-Nabahin, một nông dân Palestine đang trồng cây ô liu trong trại tị nạn Bureij cách biên giới Israel nửa dặm thì phát hiện ra dấu vết của bức tranh ghép cổ xưa.
Anh lập tức báo cho chính quyền địa phương. Hiện trường được tiếp quản lập tức bởi các chuyên gia từ Bộ Du lịch và Cổ vật Palestine, Trường Kinh thánh và Khảo cổ học Jerusalem của Pháp (đặt tại Jerusalem - Israel) xác định đó là một kho báu có niên đại khoảng thế kỷ thứ 5 đến thứ 7 sau Công Nguyên.
Cận cảnh bức tranh khảm khi mới được khai quật và khi đã được khôi phục - Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Palestine
Bức tranh khảm được ghép từ vô số mảnh đá được chế tác cẩn thận, mô tả các loài động vật như chim, thỏ, chó, dê... Sau khi các nhà khảo cổ quét phần đất đá bao phủ bức tranh, họ nhận thấy nó nguyên vẹn đến đáng ngạc nhiên.
Tranh khảm vốn là một vật trang trí nhà cửa xa hoa bậc nhất của giới quý tộc cổ đại, bởi vật liệu làm tranh hoàn toàn tự nhiên, nên để có được sắc màu đẹp nhất, các nghệ sĩ phải ghép chúng bằng vô số mảnh đá được mài giũa công phu, được nhập khẩu và tuyển chọn từ nhiều nơi xa xôi bởi có những màu đá chỉ có thể được tìm thấy ở vài vùng đặc biệt.
Với niên đại có thể lên tới 1.500 năm, đây càng là một kho báu vô song.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy một số cấu trúc là tàn tích các bức tường cổ cùng nhiều đồ vật có giá trị cao như các đồ tạo tác bằng thủy tinh.
Bộ Du lịch và Cổ vật Palestine cho biết phát hiên này cung cấp rất nhiều thông tin lịch sử và chi tiết về văn minh cổ đại và nhân chủng học ở Gâz, các mối quan hệ lịch sử và kinh tế với môi trường khu vực cổ đại.
Theo Anh Thư/Người lao động