Trồng cây để nguyên vỏ bầu là trái quy định

Google News

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Công, sau khi cẩu cây trồng đưa vào hố, trước khi trồng phải tháo bỏ bao bầu cây (đối với vỏ bầu không có khả năng tự phân hủy), cắt hết dây buộc..

Sáng 19/9, chia sẻ tại Tọa đàm "Tái thiết cây xanh đô thị Hà Nội" do báo Dân trí tổ chức, ông Nguyễn Thế Công - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, theo thống kê, trên địa bàn thành phố có khoảng hơn 40.000 cây xanh, cành cây bị gãy, đổ do bão số 3. Trong đó, có khoảng 11.000 cây xanh là cây đô thị bị đổ, bật gốc.

Thành phố dự kiến có 3.500-4.000 cây có thể "cứu" (trồng, dựng lại) được; trong đó có hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ; 9 cây sưa đỏ là cây quý hiếm, có giá trị; 94 cây cây di sản, cây được bảo tồn, cây cổ thụ như sanh, si, đa, đề tại khu vực quanh Hồ Gươm, đền Bà Kiệu, trong khu di tích, lịch sử, văn hóa...

Nói về quy trình cứu cây xanh, ông Công cho biết, có 5 bước. Trước hết các đơn vị đánh giá, phân loại theo chỉ đạo của UBND thành phố, sẽ rà soát đánh giá từng cây cụ thể.

Trong cay de nguyen vo bau la trai quy dinh

Nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố hà Nội gãy, đổ sau bão số 3. Ảnh: Đức Nguyễn.

Tiếp đó, các đơn vị xác định phương án tỉa tán để chống, dựng lại cây hoặc chuyển sang vị trí lân cận để trồng. Việc cắt tỉa tán cây đảm bảo cân đối, hài hòa theo từng chủng loại cây theo đúng quy trình, quy định.

Cơ quan chuyên môn sẽ chuẩn bị đất màu, đào hố trồng cây, thực hiện chống cọc đối với cây trồng dựng lại. Cây trước khi trồng dựng lại được cắt bỏ rễ bị hỏng, thối, phun thuốc kích thích ra rễ, ra lá và cuốn vải hoặc lưới lên thân nhằm hạn chế mất nước. Sau khi chống dựng, trồng lại cây xanh, các đơn vị thực hiện chăm sóc giúp cây sinh trưởng và phát triển ổn định.

Về công tác trồng cây trên địa bàn thành phố, theo ông Công, sau khi cẩu cây trồng đưa vào hố, trước khi trồng phải tháo bỏ bao bầu cây (đối với vỏ bầu không có khả năng tự phân hủy), cắt hết dây buộc, đặt bầu cây vào chính giữa hố đảm bảo cây trồng thẳng đứng.

Liên quan đến những thông tin phản ánh về tình trạng một số cây bị gãy, đổ để lộ còn nguyên bầu đất trong bọc, ông Công cho rằng, có thể trong quá trình trồng cây tại một số vị trí chưa thực hiện đúng quy định, chưa thực hiện tháo bỏ vỏ bầu trước khi trồng cây. Trách nhiệm trong việc này thuộc về các chủ đầu tư.

"Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến trên và sẽ đôn đốc, nhắc nhở, giám sát các chủ đầu tư để không xảy ra những trường hợp như phản ánh nữa. Nếu chủ đầu tư không thực hiện nghiêm theo quy định thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu trồng lại hoặc không tổ chức nghiệm thu. Sở Xây dựng sẽ chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trong quá trình tiếp nhận, nghiệm thu các hệ thống cây xanh trồng mới", ông Công nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, đối với các hệ thống cây được trồng mới, các nhà thầu, chủ đầu tư phải có trách nhiệm chăm sóc để cây phát triển ổn định trong 24 tháng, sau đó Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, nếu đủ điều kiện mới tiếp nhận các hệ thống cây xanh đó.

Tại toạ đàm, PGS.TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho biết: Cây cũng có tuổi đời, càng cổ thụ thì các bộ phận sinh trưởng càng yếu, và yếu từ rễ lên. Cây cổ thụ đổ, mà lại đào hố trồng lại không khác gì ngâm cây vào chậu nước, không thể sống được.

Theo ông Hà, muốn cứu cây phải đưa đi vườn ươm. Khi cây đã đổ vật ra, muốn sử dụng lại không phải cây nào cũng dựng được mà phải đưa về vườn ươm. Khi cây đổ, một phần rễ đã bị đứt, một phần rễ bị dập gẫy. Khi nâng lên, cắm xuống rễ sẽ dập lần nữa. Do đó sức khỏe của cây càng yếu đi. Nếu đất khô ráo, thời tiết thuận lợi, ít nhất một tháng sau cây mới ra rễ mới.

"Về việc truyền dinh dưỡng cho cây như ở Hải Phòng, thực tế là phân bón. Nhưng cái đó chỉ là hỗ trợ thôi, không nên lạm dụng, đừng hy vọng truyền thế mà cây đổ rồi có thể sống lại. Phương pháp này chỉ dùng cho cây cổ thụ, già yếu ta truyền thêm dưỡng chất để cây khỏe hơn", ông Hà nêu. 


Theo Trường Phong/Tiền phong