|
Pylatiuk, một nghiên cứu viên ở Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT), gắn một thiết bị nhỏ vào chân phải như là một phần của thí nghiệm xem có thể tạo ra điện từ việc đi bộ hay không. Ảnh dpa. |
Christian Pylatiuk gắn một thiết bị nhỏ vào chân phải và bắt đầu đi bộ. Thiết bị chỉ nặng có 200g bắt đầu phát điện khi Pylatiuk di chuyển, mặc dù rất nhỏ - chỉ được một vài microwatts.
Pylatiuk và các đồng nghiệp của ông tại Viện Công nghệ Karlsruhe (KIT) ở Đức chỉ là một số trong nhiều nhà nghiên cứu trên khắp thế giới hiện đang tìm kiếm các giải pháp cho việc thu năng lượng từ các động tác di chuyển.
Một trong những ý tưởng sạc pin của họ là bộ phận tương tự như chân giả, trong đó lắp đặt một piston có thể kết hợp thành giày thể thao. Khi một người đi bộ, piston hoạt động, từ đó tạo ra điện năng. Pylatiuk tin rằng, ý tưởng này có tiềm năng thị trường, và có thể trang bị trong các thiết bị thể thao.
Ý tưởng tạo năng lượng bằng các chuyển động cơ thể người hoàn toàn không phải là mới. Chẳng hạn, năm 2014, các nhà phát minh Hoa Kỳ đã tìm kiếm nguồn tài chính cho việc chế tạo pin có thể nạp điện khi người mang nó chuyển động. Dự án thu hút rất nhiều sự quan tâm, chỉ trong vòng một tháng đã thu về 310.000 USD tiền đầu tư.
Các nhà khoa học thuộc Viện NanoTech thuộc Đại học Texas tại thành phố Dallas đang nghiên cứu về các sợi có thể tạo ra điện năng bằng cách co dãn hoặc xoắn. Ông Ray Baughman - thành viên viện nghiên cứu cho biết: "Phát điện bằng sự di chuyển của con người là một cách để chấm dứt nhu cầu về pin”.
Robert Spanheimer, thuộc Hiệp hội Công nghệ thông tin Đức Bitkom, nhận thấy tiềm năng trong những phát minh như vậy nhưng cảnh báo về tình trạng quá hưng phấn: "Một số đề án phát triển vẫn còn trong giai đoạn rất sớm."
Việc công nghệ chế tạo pin hiện tại đang giảm giá nhanh chóng cũng là một rào cản lớn về kinh tế cho bất cứ người nào muốn tham gia vào ngành chế tạo thiết bị phát điện dựa vào sự di chuyển của người.
Peter Woias, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Microsystem tại Đại học Freiburg, Đức, cũng tỏ ra hoài nghi về công nghệ thu hoạch năng lượng. Ông đưa ra lập luận: "Một công nghệ mà không được nhận ra, thu hoạch được năng lượng từ sự di chuyển của con người với số lượng đáng kể thì không thể tồn tại trên cơ sở vật lý”.
Ví dụ, bộ xương giả KIT có hiệu suất rất đáng nể, nhưng để sạc đầy pin cho một chiếc điện thoại thông minh, một người sẽ phải chạy liên tục trong vài giờ.
Nói chung, hầu hết các dự án thu hoạch năng lượng từ sự vận động của cơ thể người đều thất bại vì các máy phát điện đủ lượng cần thiết thì hoặc là có kích cỡ quá lớn hoặc quá nặng cho sinh hoạt hàng ngày.
Việc thu hái năng lượng siêu nhỏ là chuyện khác, Woias nói, bởi vì nó tập trung vào việc tạo ra lượng điện chỉ tính bằng microwatts và milliwatts để cung cấp năng lượng cho các hệ thống yêu cầu thấp.
Có thể đưa ví dụ như các trạm thời tiết hoặc các thiết bị kiểm tra áp suất lốp.
Woias hiện đang nghiên cứu các hệ thống để giám sát động vật hoang dã có thể tạo ra năng lượng từ sự di chuyển của các con vật. Ông tin rằng, những hệ thống này cũng có thể được áp dụng cho vật nuôi tại gia đình.
Theo Hà Khoa/VietTimes