DNA - phân tử mang thông tin di truyền, chứa các nucleotide được ký hiệu bằng 4 chữ cái: A (adenine), G (guanine), C (cytosine) và T (thymine).
Hiện giờ, các nhà khoa học Mỹ đã tổng hợp được DNA chứa “8 chữ cái” (ngoài các nucleotide A, G, C, T còn 4 nucleotide bắt đầu bằng 4 chữ cái khác nữa). Người ta gọi đó là “hachimoji” DNA (hachimoji theo tiếng Nhật nghĩa là…8 chữ cái). DNA mới, cũng như DNA của chúng ta, có thể lưu trữ và chuyển giao thông tin.
Sự sống như chúng ta đã biết trên Trái đất, lưu trữ và chuyển giao thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác nhờ các phân tử DNA. Đặt câu hỏi,
sự sống ngoài hành tinh có gì khác, NASA quyết định kiểm tra xem DNA dạng khác có thể đảm nhận nhiệm vụ tương tự hay không. Sứ mệnh này được thực hiện bởi các nhà khoa học tại một số cơ sở nghiên cứu, dưới sự dẫn dắt của Steven Benner, đến từ Quỹ vì Sự phát triển phân tử ứng dụng.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, phân tử DNA mới là chứng cớ cho thấy, sự sống lạ có thể sử dụng hệ thống “8 chữ cái”. Trong bối cảnh chúng ta đang tìm kiếm dấu vết sự sống trên sao Hỏa, công việc này bước đầu cho thấy sự sống trên hành tinh này có thể hoàn toàn khác lạ.
Bởi các “chữ cái” DNA của chúng ta liên kết theo lược đồ A-T, G-C, nên các nhà sáng tạo hachimoji DNA đã áp dụng cơ chế tương tự. Các chữ cái do họ sử dụng: S và B, P và Z cũng liên kết với nhau theo lược đồ giống như vậy. Một loạt các thí nghiệm cho thấy, toàn bộ hệ thống “8 chữ cái” có những đặc tính tương tự như DNA của chúng ta, trong đó có đặc tính ổn định không phụ thuộc thứ tự các chữ cái và có thể sao chép lại trên các phân tử RNA.
“Tìm kiếm các dấu vết sự sống là mục tiêu ngày càng quan trọng của các sứ mệnh hành tinh của NASA. Việc tạo ra hachimoji DNA sẽ giúp chúng tôi phát triển các công cụ để mở rộng lĩnh vực tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh” - bà Lori Glaze, Giám đốc Phòng Nghiên cứu các hành tinh của NASA cho biết.
Bà nhấn mạnh, một trong các giải pháp để hình dung cấu trúc cơ thể lạ mà chúng ta có thể bắt gặp trong vũ trụ là thử tạo ra một cái gì đó “lạ lùng” ngay trên Trái đất này. “Việc phân tích cụ thể vai trò của hình dạng, kích thước và cấu trúc của hachimoji DNA đã mở rộng hình dung của chúng ta đối với các phân tử có thể lưu trữ thông tin về sự sống ngoài Trái đất” - ông Benner cho biết.
NASA cho rằng, sao Hỏa, vệ tinh Europa của sao Mộc, vệ tinh Enceladus của sao Thổ là những nơi khả dĩ nhất có thể tìm kiếm dấu vết sự sống.
Trước đây, sao Hỏa từng có đại dương và khí quyển dày đặc, còn trên các vệ tinh sự sống có thể phát triển trong nước đại dương dưới bề mặt băng đá. NASA mong muốn trả lời câu hỏi điều gì có thể xảy ra nếu như sự sống ngoài hành tinh không sử dụng DNA giống như DNA của chúng ta.
Theo Tuấn Sơn/Giáo dục thời đại