"Chúng ta được hứa hẹn về một xã hội hoàn hảo, nhưng rồi chỉ nhận lại những trò chơi khăm, tin tức giả và một sự sụp đổ rõ ràng của sự lịch thiệp." Đó là một trong những nhận định thú vị được nêu ra tại bài viết của cây bút Josh Quittner, Giám đốc biên tập của trang tin Flipboard.
VietnamPlus xin được giới thiệu với quý độc giả bài viết này:
"Tôi hy vọng là bạn đã đọc bài viết hôm Chủ Nhật vừa qua đăng trên tờ New York Times, với tiêu đề "Internet đã tan vỡ: @ev đang cố gắng cứu vãn nó." Tôi đã nghĩ về bài viết đó cả tuần, nhất là sau khi vụ tấn công tại thành phố Manchester (Anh) xảy ra.
Bài viết nói về Evan Williams, một doanh nhân tại thung lũng Silicon, người đã tạo ra những kiệt tác cả đời làm thay đổi cách chúng ta chia sẻ những tư tưởng quan trọng trên mạng.
|
Mạng xã hội luôn là một sự phản ánh chính xác nửa không hoàn hảo của chúng ta. (Nguồn: Pinterest) |
Như bạn có thể đã biết, Williams là nguồn động lực chính đằng sau cả blog và Twitter - hai trong số những hình thức truyền thông đại chúng quan trọng nhất và bứt phá nhất trong lịch sử gần đây.
Bây giờ ông là giám đốc điều hành của Medium và đang nỗ lực tiếp tục tạo dựng thành công bằng cách nâng tầm cho những diễn ngôn bằng văn bản có chất lượng. "Tôi từng nghĩ rằng một khi tất cả mọi người có thể tự do phát ngôn , trao đổi thông tin và ý tưởng, thế giới sẽ tự động trở thành một nơi tốt đẹp hơn," Williams chia sẻ với tờ Times. "Tôi đã sai về điều đó."
Bài viết của Times sau đó nêu bật lên luận điểm rằng những công cụ mà Williams và các công ty truyền thông xã hội khác tạo ra đã đem đến những điều xấu nhiều ngang những điều tốt.
Một ví dụ rõ ràng nhất là ngay sau vụ đánh bom tự sát ở Manchester, không ít kẻ đã lên Twitter và Facebook chia sẻ những câu chuyện và bài viết giả mạo. "Nhiều kẻ lên mạng xã hội, chơi khăm bằng cách lan truyền những bài viết giả mạo về việc trẻ em bị mất tích," tờ Telegraph cho biết.
"Những người giả vờ có "bạn bè bị mất tích" sau vụ tấn công Manchester cũng thật tồi tệ," một tiêu đề trên Mashable nhận định trong một bài viết tìm hiểu lý do vì sao mọi người lại hành động như thế trong một sự kiện kinh khủng như vậy. Câu trả lời: họ làm vậy để được nhiều người khác nhấn nút "Like" và chia sẻ lại thông tin.
Cả Buzzfeed và New York Times đều có những bài viết dài kiểm chứng thông tin và lật tẩy các bài viết, dòng tweet giả mạo như thế. Một người Mỹ làm nghề tự do đã trở thành mục tiêu chỉ trích trên mạng sau khi đăng những dòng tweet đùa cợt về vụ đánh bom ("Những dòng tweet tồi tệ của người đàn ông này về vụ đánh bom Manchester đã khiến cả internet bùng cháy," tờ Daily Dot viết). Trong khi đó, Kim Kardashian cũng bị cộng đồng mạng chĩa mũi dùi sau khi đăng một bức ảnh cá nhân lạc nhịp giữa những bài đăng ủng hộ, một hành động được coi là tự quảng cáo cho bản thân.
"Hãy dừng lại và suy nghĩ trước khi nhấn Like, Retweet hoặc Share"- Tạp chí Wired phải kêu tiếng kêu gọi.
Thế nhưng... ngay từ đầu, Internet thương mại đã phải gánh chịu hậu quả từ chính điều khiến nó trở nên vĩ đại. Internet tạo điều kiện dễ dàng và tự do cho mọi người trao đổi các ý tưởng của mình - cả tốt và xấu. Nó cũng tạo điều kiện dễ dàng cho những kẻ chơi khăm, kích động những tranh cãi gay gắt và công kích lẫn nhau, những trò bắt nạt và gian lận hủy hoại không gian dành cho những người khác. Tôi đã viết về vấn đề này cho tạp chí Wired trong một thời kỳ thanh bình hơn vào năm 1994, khi thế giới trực tuyến vẫn còn mới mẻ và sáng bóng - và cũng dễ biến đổi.
Internet luôn là sự phản chiếu hoàn hảo cái tôi không hoàn hảo của chúng ta. Và tuần trước cũng vậy. Cần phải nói rằng mạng xã hội đã được dùng như một công cụ hiệu quả để giúp trẻ em tìm nơi lánh nạn sau thảm họa. Facebook đã kích hoạt tính năng SafetyCheck, để những người đi dự buổi hòa nhạc ở Manchester có thể sử dụng và cho bạn bè của họ biết là họ vẫn ổn. Wired từng đăng một bài viết rất đúng lúc về những gì mạng xã hội nên và không nên làm trong các vụ khủng bố.
Vấn đề là, mạng xã hội, cũng như chính bản thân Internet, chỉ là một tập hợp những con người, có người xấu, có người tốt, có những người vừa xấu vừa tốt, và tất cả chúng ta cùng tiến hóa với những công cụ của mình.
Chúng ta sẽ tìm ra giải pháp và thoát khỏi giai đoạn bối rối và khó khăn này. Như Evan Williams đã nói rất chính xác, cần có thời gian để gỡ lỗi hệ thống: "Hai mươi năm không phải khoảng thời gian quá dài để thay đổi cách hoạt động của xã hội."
Theo Mai Nguyễn/Vietnamplus