Ứng dụng khoa học công nghệ, tạo mô hình học tập hấp dẫn

Google News

Với sự hỗ trợ đắc lực của nền tảng công nghệ hiện đại,“Mô hình Địa đạo Củ Chi” đã tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng, khi được tham gia tour du lịch trải nghiệm mà không cần đến tận nơi.

Giành giải đặc biệt với mô hình ý nghĩa 
Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc năm 2024, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp tổ chức, “Mô hình “Địa đạo Củ Chi” đã đoạt giải Đặc biệt.
Ung dung khoa hoc cong nghe, tao mo hinh hoc tap hap dan
Nhóm mô hình “Địa đạo Củ Chi” nhận giải Đặc biệt. Ảnh: Mai Loan.
Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 70km về phía Tây Bắc. Địa đạo Củ Chi có khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, bếp Hoàng Cầm... Công trình này đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.
Địa đạo Củ Chi được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và hiện trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới. Nơi đây đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều du khách.
Việc giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc thông qua những di tích như Địa đạo Củ Chi rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn nhiều nội dung thiếu sinh động, chưa thực sự hấp dẫn học sinh. Đặc biệt, nguồn học liệu trực quan, công nghệ để học tập, tìm hiểu về di tích lịch sử của dân tộc còn ít, tính tích hợp, hiện đại và tính tiện ích còn thấp.
Để giúp các bạn học sinh Hà Nội nói riêng và học sinh cả nước nói chung có thể tham quan địa đạo một cách trực quan, sinh động, kết hợp yếu tố công nghệ thông tin mà không cần phải đến tận nơi, nhóm 5 học sinh gồm: Lưu Bảo Châu (9A7), Nguyễn Duy Kiên (9A6), Nguyễn Lâm Uyên (9A2), Lê Ngọc Khải Vỹ (9A7) và Nguyễn Thanh Mai (8A5) của trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội đã cùng nghiên cứu thiết kế sáng tạo nên “Mô hình địa đạo Củ Chi”.
Ứng dụng KHCN tạo trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng
Giới thiệu về mô hình với PV Tri thức và Cuộc sống, trưởng nhóm Lưu Bảo Châu cho hay “Mô hình Địa đạo Củ Chi” là một sản phẩm đồ dùng học tập trực quan mang tên minh họa một lát cắt của địa đạo, tựa như một mô hình địa đạo Củ Chi thu nhỏ. Mô hình được làm bằng thạch cao và các vật liệu tái chế, pin năng lượng mặt trời để giảm bớt chi phí và rất thân thiện với môi trường.
Ung dung khoa hoc cong nghe, tao mo hinh hoc tap hap dan-Hinh-2
Một mặt cătt của mô hình Địa đạo Củ Chi. 
Mô hình với năm mặt minh họa cụ thể về các chi tiết trên mặt đất và trong lòng địa đạo để giúp người trải nghiệm có thể hình dung ra được toàn bộ cuộc sống của quân dân Củ Chi cũng như tính chất ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ lúc bấy giờ.
“Chúng em còn tiến hành gắn thêm các dây đèn led để làm hiệu ứng chỉ dẫn sinh động cho từng nơi khi giới thiệu về mô hình. Khi rô bốt di chuyển đến đâu và giới thiệu về địa điểm đó thì tại nơi đó đèn led sẽ sáng lên để thu hút sự chú ý của người trải nghiệm”, Bảo Châu cho hay.
Ung dung khoa hoc cong nghe, tao mo hinh hoc tap hap dan-Hinh-3
 Nhóm học sinh cùng các cô giáo Trường THCS Cầu Giấy.
Khải Vỹ cho biết, ngoài ra, tại các địa điểm chúng em còn gắn biển tên để chỉ dẫn và gắn mã QR code bằng ngôn ngữ tiếng Anh để thuận tiện cho việc tra cứu mở rộng thông tin liên quan đến từng địa điểm như cửa hầm, lỗ thông hơi, hầm nghỉ ngơi, hầm hội họp… cùng bộ câu hỏi trắc nghiệm với các level với mức độ khó tăng dần và các các câu chuyện mở rộng về địa đạo Củ Chi, về quân dân Củ Chi, du lịch Củ Chi hiện nay….
Theo nhóm tác giả, ưu điểm nổi bật của “Mô hình Địa đạo Củ Chi” là sử dụng pin năng lượng mặt trời rất thân thiện môi trường, với sự hỗ trợ đắc lực của các nền tảng công nghệ hiện đại đã tạo ra trải nghiệm tốt nhất cho người sử dụng.
Nội dung được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, có lời thu âm, tra cứu thông tin, video, phần trò chơi và nhiều câu hỏi tương tác... sẽ giúp các bạn học sinh trải nghiệm hoàn toàn mới khi học lịch sử.
Khi tham gia tìm hiểu “Mô hình Địa đạo Củ Chi” các bạn học sinh sẽ được tham gia một Tour du lịch trải nghiệm học tập khám phá Địa đạo Củ Chi mà không phải đến tận nơi. Đây cũng chính là sản phẩm STEM điển hình của việc tích hợp kiến thức lịch sử, địa lý trên nền tảng toán học, vật lý, công nghệ, kỹ thuật, tự động hóa.
“Mô hình hoàn toàn có thể kết hợp với các công ty du lịch để giới thiệu tới du khách, giúp họ có trải nghiệm học tập và tìm hiểu về di tích lịch sử này ngay cả khi họ không có điều kiện để tham quan thực tế”, Khải Vỹ chia sẻ.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC, Trưởng ban chỉ đạo cuộc thi nhận xét: “Mô hình Địa đạo Củ Chi là đồ dùng học tập rất thực tế và hữu ích dành cho giáo viên và học sinh các cấp trong việc học lịch sử cũng như tìm hiểu về di tích lịch sử quan trọng của dân tộc. Đây không những là sản phẩm STEM (là các sản phẩm thiết kế để kích thích học sinh tham gia vào các hoạt động học tập và giải quyết vấn đề trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học) mà còn là sản phẩm STEAM (sử dụng các nguyên tắc của STEM cơ bản và tích hợp chúng thông qua nghệ thuật), có thể giúp các thầy cô ứng dụng để giảng dạy các môn học: Tin học (lập trình cho robot, mô hình, ứng dụng); vật lý (mạch điện một chiều, xoay chiều và các linh kiện điện, điện tử, mỹ thuật)...

Mai Loan