Ứng dụng trợ lý giọng nói ảo vào tầm ngắm

Google News

Các cơ quan giám sát cạnh tranh của EU đang tìm hiểu thông tin từ 400 công ty để đánh giá các ứng dụng trợ lý giọng nói ảo có vi phạm luật chống độc quyền hay không?

Các cơ quan giám sát cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) hiện đang tìm hiểu thông tin từ 400 công ty để làm cơ sở đánh giá liệu có dấu hiệu nào về việc các ứng dụng trợ lý giọng nói ảo như Alexa và Siri và các thiết bị kết nối Internet khác vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã từng mở các vụ điều tra tương tự trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dược phẩm, dịch vụ tài chính và năng lượng, mở ra những vụ kiện nhằm vào các công ty liên quan và có vụ dẫn tới những khoản phạt nặng.
Những dịch vụ trợ lý giọng nói ảo được sử dụng phổ biến nhất phải kể đến như Alexa của Amazon, Siri của Apple và Google Assistant của Alphabet.
Ung dung tro ly giong noi ao vao tam ngam
Ảnh minh họa.
Ủy viên EU phụ trách vấn đề cạnh tranh Margrethe Vestager cho rằng động thái trên nhắc nhở các công ty lớn đang chiếm lĩnh thị trường này rằng EC đang giám sát mọi hoạt động và vì vậy, các công ty này cần tuân thủ các quy định về cạnh tranh.
EC tiến hành thu thập thông tin vì nhận thấy các thiết bị kết nối Internet dành cho khách hàng thường liên quan tới một lượng lớn dữ liệu người dùng và EU muốn đảm bảo những công ty tham gia thị trường này không dùng quyền kiểm soát các dữ liệu để làm tổn hại tới khả năng cạnh tranh hay chèn ép các đối thủ. EC muốn đảm bảo mọi "người chơi" đều có quyền tiếp cận thị trường này.
Trong những năm gần đây, ủy viên cạnh tranh của EU đặc biệt chú ý tới lĩnh vực công nghệ, trong đó các công ty lớn như Google, Apple, Amazon và Facebook đã không ít lần bị đưa vào tầm ngắm. Bà Vestager có thể quyết định áp những mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu nếu một công ty bị kết luận là vi phạm các lệnh chống độc quyền của EU.
Cũng liên quan tới lĩnh vực công nghệ, luật sư trưởng Henrik Saumandsgaard, một cố vấn của Tòa án Tư pháp EU ngày 16/7, cho biết các nền tảng trực tuyến, như YouTube, sẽ không phải chịu trách nhiệm khi người dùng đăng tải những sản phẩm vi phạm luật bản quyền nhưng các chủ sở hữu bản quyền có thể xin lệnh huấn thị của tòa án nhằm vào những công ty này.
Ông này cho biết luật hiện hành cho phép YouTube và các đối tác không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những sự cố kể trên khi được thông báo về vi phạm và dỡ bỏ những thông tin vi phạm.
Dự kiến, chỉ trong vài tháng tới, các thẩm phán của Tòa Tư pháp EU sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề trách nhiệm của các công ty công nghệ trong tình huống này.
Trên thực tế, khi xét xử 5 vụ án gần đây về vấn đề đăng tải nội dung vi phạm bản quyền trên các nền tảng trực tuyến, các thẩm phán đã ủng hộ quan điểm trên trong 4 vụ.
Những năm gần đây, các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội liên tục trở thành tâm điểm tranh cãi về trách nhiệm khi để các nội dung bất hợp pháp hoặc kích động hận thù xuất hiện. EC đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này bằng những luật mới trong Bộ luật Dịch vụ Kỹ thuật số vào cuối năm nay.
Theo Lê Ánh/TTXVN