Hành tinh khổng lồ mang tên HD 106906 b quay quanh một hệ sao đôi cách chúng ta 366 năm ánh sáng. Nó có khối lượng gấp 11 lần Sao Mộc, tức tương đương 3.500 Trái Đất của chúng ta.
|
Ảnh đồ họa mô tả hành tinh bí ẩn có thể là phiên bản hoàn hảo của "hành tinh thứ 9" - Ảnh: HUBBLE/NASA/ESA |
Theo Hubblesite (NASA/ESA), đây là lần đầu tiên các nhà thiên văn đo được chuyển động của một hành tinh khổng lồ quay cực xa ngôi sao mẹ. Nó có thể chính là "phiên bản trong gương" của hành tinh thứ 9 bí ẩn của hệ Mặt Trời, thứ hiện hữu như một bóng ma ở vùng tối bên ngoài "vành đai Kuiper" (vành đai các vật thể nằm từ quỹ đạo của hành tinh xa nhất đã biết là Sao Hải Vương cho đến khoảng cách 44 đơn vị thiên văn tính từ Mặt Trời).
Theo tiến sĩ Meiji Nguyen từ Đại học California ở Berkeley (Mỹ), từ lâu sự tồn tại của hành tinh thứ 9 đã là một thách thức lớn. Bằng chứng về nó xuất hiện qua cách mà các vật thể ở khu vực vành đai Kuiper bị tác động, giúp các nhà khoa học tính được hành tinh thứ 9 phải to đến vài ngàn lần Trái Đất và có một lực hấp dẫn khổng lồ. Nhưng sự tồn tại của một hành tinh quá lớn nhưng quá xa sao mẹ lại thách thức các lý thuyết, bên cạnh việc không ai có thể quan sát nó trực tiếp.
HD 106906 b đã cho thấy "hành tinh thứ 9" hoàn toàn có thể tồn tại, bởi nó nằm cách xa cặp sao mẹ tới 730 đơn vị thiên văn, tức 730 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Một năm ở thiên thể này tương đương 15.000 năm trên Trái Đất, bởi nó phải mất rất lâu để đi giáp vòng quanh sao mẹ. Hubble cũng cho thấy nó có quỹ đạo cực lệch và nằm bên ngoài đĩa mảnh vụn giống như Vành đai Kuiper.
Kết quả đã được xác định bằng rất nhiều siêu kính viễn vọng khác trên toàn thế giới và hứa hẹn sẽ được phơi bày rõ hơn khi James Webb của NASA được phóng lên không gian trong thập kỷ tới. Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học The Astronomical Journal.
Theo Thu Anh/Người lao động