1.Trò lừa gạt
Nhiều người đã coi cuộc khủng hoảng này là một trò lừa bịp của giới khoa học để biện minh cho các khoản tài trợ nghiên cứu của họ, hoặc thậm chí là một âm mưu của chính phủ nhằm kiểm soát người dân. Nếu thật vậy, nó sẽ phải là một trong những sự lừa gạt tinh vi nhất, được điều phối bởi hàng loạt chính phủ của những quốc gia có đông đảo nhà nghiên cứu.
Hàng chục nghìn nghiên cứu được bình duyệt và công bố công khai đã dẫn đến sự đồng thuận rộng rãi về mặt khoa học rằng biến đổi khí hậu do con người tạo ra là có thật. Nguồn thông tin toàn diện nhất như vậy là Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC).
Không hề hoạt động bí mật, bằng chứng và các phương pháp điều tra của IPCC đều được công khai trên website chính thức.
Báo cáo mới nhất dài 3.500 trang do IPCC phát hành trong năm nay đã được các đại biểu tại 195 quốc gia thông qua. Báo cáo cũng liệt kê 234 tác giả ở 66 quốc gia là những người đóng góp thực hiện.
Ủy ban này được thành lập theo một nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm cung cấp bằng chứng xác đáng đánh bại lập luận của những người theo thuyết âm mưu.
2. Khí hậu luôn biến đổi
Các nhà khoa học hiểu rõ khí hậu Trái Đất từ lâu đã xen kẽ lần lượt giữa các kỷ băng hà và các thời kỳ ấm lên. Trong vòng một triệu năm qua thì cứ khoảng 100.000 năm lại có một kỷ băng hà xảy ra. Liệu sự gia tăng nền nhiệt độ hiện tại chỉ là một giai đoạn khác trong chu trình này?
Câu trả lời là không. Tốc độ, mức đột ngột tương đối và phạm vi toàn cầu của sự nóng lên trong 50 năm qua đã khiến lần tăng nhiệt này trở nên khác biệt.
Sử dụng biểu đồ để chứng minh, IPCC cho biết: "Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1970 so với bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong ít nhất 2.000 năm qua".
Thông tin này dựa trên một số dạng dữ liệu: Phân tích cổ sinh học về trầm tích, băng và vòng tròn trên mặt cắt thân cây trong thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp và số liệu về nhiệt độ được ghi lại kể từ năm 1850.
3. Không có bằng chứng về tác động của con người
Khi bằng chứng về sự nóng lên bất thường trở nên không thể bàn cãi được, một số người hoài nghi bắt đầu thừa nhận hiện tượng này đang xảy ra song lại chối bỏ nguyên nhân là do lượng khí thải carbon mà con người tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch gây ra.
IPCC đã phát triển một mô hình khí hậu đo lường tác động của các yếu tố khác nhau. Nó tính toán mức độ ấm lên khi có và không có ảnh hưởng từ hoạt động của con người.
"Rõ ràng là ảnh hưởng của con người đã làm nóng bầu khí quyển, đại dương và đất liền", báo cáo IPCC năm nay kết luận.
|
Bằng chứng về biến đổi khí hậu đang trở nên khó chối cãi. Ảnh minh họa: AFP |
4. Ấm lên một chút là điều tốt
"Nhiều vùng của nước Mỹ đang hứng chịu lượng mưa tuyết lớn và cái lạnh gần như kỷ lục. Sẽ không tồi nếu khí hậu toàn cầu ấm lên một chút ngay bây giờ!". Dòng tweet của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20/1 vừa qua chính là một huyền thoại kinh điển về biến đổi khí hậu, ngụ ý rằng thời tiết lạnh giá là bằng chứng chống lại sự nóng lên của khí hậu, cùng với giả định rằng ngay cả khi khí hậu ấm lên đang xảy ra, nó không hoàn toàn xấu.
Khí hậu là thước đo sự thay đổi thời tiết trung bình theo thời gian. Do đó, một ngày hoặc một tuần xảy ra bão tuyết không đủ để chứng minh rằng nhiệt độ trung bình không tăng trong nhiều thập kỷ.
Ấm lên một chút trên toàn cầu có thể là điều tốt đẹp không? Nhiều vùng băng giá của Siberia có thể thành nơi canh tác được, mở rộng nguồn lương thực. Tuy nhiên, lớp băng vĩnh cửu tại khu vực này bị tan chay sẽ gây ra nhiều rắc rối hơn.
5. Các nhà khoa học biến đổi khí hậu
Các chuyên gia thường bày tỏ hoài nghi, tham gia ký tuyên bố chung và viết các bài xã luận phản bác. Nhưng khi kiểm tra các chứng chỉ của nhiều trường hợp, họ hầu như không phải nhà khoa học chuyên ngành khí hậu.
|
Nhiệt độ bề mặt toàn cầu đã tăng nhanh hơn kể từ năm 1970 so với bất kỳ khoảng thời gian 50 năm nào khác trong ít nhất 2.000 năm qua. Ảnh minh họa: Reuters |
Trong số các tiêu chí của giới nghiên cứu để đo lường tính hợp pháp của các tuyên bố về khí hậu, một trong những tiêu chí quan trọng nhất là sự đồng thuận. Và sự đồng thuận về biến đổi khí hậu đang áp đảo.
Một cuộc khảo sát gần đây của Đại học Cornell với hàng nghìn nghiên cứu được bình duyệt về biến đổi khí hậu cho thấy rằng hơn 99% các tác giả đồng ý rằng hiện tượng tiêu cực này là do con người gây ra.
Theo Hoàng Trang/Baotintuc