Vì đâu người dùng Việt Nam mãi không chán iPhone?

Google News

Không có bất kì hoạt động quảng bá trực tiếp nào tại Việt Nam, vì sao người Việt vẫn thích dùng iPhone chiếc smartphone của Apple?

 
 
Nói đến những lý do mà nhiều người dùng Việt thích dùng iPhone, có lẽ nhiều người cũng nghĩ ngay đến nhận định cho rằng chiếc smartphone của Apple là một biểu tượng của sự “sang chảnh”.
Năm 2014, khi Việt Nam được xem là một trong những thị trường nóng nhất trên thế giới của Apple với doanh số iPhone trong nửa năm 2014 tăng trưởng tới ba lần, cao hơn bất kì thị trường nào, phiên bản điện tử của tạp chí danh tiếng Fortune, dẫn lời Ryan Lai - một nhà phân tích của IDC, cho rằng “iPhone thực sự là một biểu tượng của địa vị mà nhiều người theo đuổi tại Việt Nam.”
Thực tế, điều này đã từng hoàn toàn đúng bởi trước đây iPhone có giá bán khá cao và thường thì chỉ những người có thu nhập từ mức trung bình khá mới tiếp cận đến chiếc điện thoại này. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, bên cạnh thị trường máy chính hãng được phân phối bởi các đại lý uỷ quyền, người dùng còn có thể tìm đến thị trường thứ cấp với những chiếc máy cũ, máy xách tay hay iPhone lock (khoá mạng) với mức giá cực kì hấp dẫn. Thậm chí, nhiều model còn được bán với giá tương đương những chiếc smartphone tầm trung.
Xu hướng nói trên khiến iPhone tiếp cận được với nhiều người dùng hơn và nó cũng dần dần không còn là hình ảnh gắn liền với sự “sang chảnh”, dù rằng điều này có thể vẫn đúng.
 
 
Đối với nhiều người, khả năng giữ giá của smartphone là một tiêu chí quan trọng khi chọn mua smartphone, nhất là những chiếc máy cao cấp. Điều này có thể là bởi họ mua smartphone để trải nghiệm, có thể bán lại sau đó để trải nghiệm những lựa chọn khác hoặc đơn giản là việc khả năng giữ giá chính là “thông số” chứng minh cho việc thị trường đánh giá cao giá trị của một mặt hàng.
Nói về khả năng giữ giá thì khó có chiếc smartphone nào có thể vượt qua được iPhone. iPhone 8, 8 Plus và iPhone X gần như chưa có đợt giảm giá sâu nào kể từ khi ra mắt cho tới nay. Nếu có giảm giá thì đó cũng là chỉ là những đợt giảm giá theo hình thức khuyến mại tạm thời của các nhà phân phối.
Điều này còn thực sự đáng chú ý khi những chiếc iPhone mới chỉ tới tháng 9 đây thôi sẽ ra mắt và lên kệ. Nếu là các nhà sản xuất khác, ở thời điểm này, giá smartphone đã bắt đầu rục rịch giảm để kích cầu, dọn kho sẵn sàng cho chiếc điện thoại mới.
iPhone 7 ra mắt cuối năm 2016 khi về Việt Nam có giá bán chính hãng khởi điểm 18,79 triệu đồng. Đến nay, giá bán chiếc máy đã gần hai năm tuổi này trên thị trường chính hãng vẫn đang ở mức 15,99 triệu đồng. Sau gần hai năm, giá máy mới chỉ giảm khoảng 2,9 triệu đồng - con số không nhiều smartphone làm được. Đó là chưa kể đến việc iPhone cũng hấp dẫn ở điểm nó có thị trường mua bán sôi động, giúp người dùng dễ dàng trao đổi máy khi có nhu cầu.
 
 
Sẽ rất thiệt thòi cho iPhone khi giải thích “cơn sốt” iPhone tại Việt Nam nhưng lại không nhắc đến lý do cốt lõi này. Theo đó, bản chất iPhone là một thiết bị chất lượng.
Máy có thiết kế chắc chắn, đẹp và ít lỗi mốt trong khi đó lại dễ sử dụng và thân thiện với người dùng bởi iOS là một hệ điều hành “đóng”, tính tuỳ biến không cao nên người dùng cũng không có quá nhiều vấn đề để tìm hiểu, “vọc vạch”. Đó là chưa kể đến việc do Apple nắm toàn quyền quản lý trải nghiệm cả về phần cứng và phần mềm, những gì iPhone mang đến cho người dùng là cực kì tốt ưu với hiệu năng máy tốt cùng tính ổn định cao về hệ thống.
Dù vậy, nếu chỉ xét đến các yếu tố này, các nhà sản xuất khác ở phân khúc cao cấp cũng có thể đáp ứng được.
 
 
Với các nhà lập trình ứng dụng, hệ điều hành iOS vẫn có phần nào đó nhận được sự ưu ái hơn. Bằng chứng là việc hầu hết các ứng dụng phổ biến và hấp dẫn đều có mặt trên iOS, chưa kể đến việc không ít trong số được phát hành độc quyền trên iOS hoặc ít nhất là có mặt trên iOS trước các nền tảng hệ điều hành khác.
Sự đa dạng và phong phú của các ứng dụng cộng hưởng với tính ổn định (mặc dù khá đóng) của hệ điều hành iOS khiến người dùng iOS luôn cảm thấy hạnh phúc khi ở trong hệ sinh thái của Apple (mà không ít người ví như môt “khu vườn đóng kín”). Thị trường phụ kiện cho iPhone cũng rất đa dạng giúp người dùng có nhiều lựa chọn và dễ dàng có thể mua được những món đồ mình muốn. Nếu bạn là người thích sưu tập ốp lưng chẳng hạn, iPhone chắn chắn sẽ là một chiếc smartphone số 1 mà bạn nên lựa chọn.
Không phải ngẫu nhiên mà iPhone lại có một vị thế vững chắc trên thị trường smartphone Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là thị hiếu người dùng Việt Nam cũng đang dần có những sự thay đổi. Người dùng Việt, đặc biệt là người trẻ, không ngần ngại thử và lựa chọn những nhà sản xuất mới. Đặt trong bối cảnh các nhà sản xuất cũng đang gia tăng chất lượng sản phẩm và khoảng cách về sản phẩm cũng đang dần bị xoá nhoà, chưa kể đến các chiến dịch marketing rộng rãi của họ (Apple không có bất kì hoạt động quảng cáo trực tiếp nào tại Việt Nam), liệu Apple có thể giữ được vị thế của mình?
Theo T.Sơn/Saostar