Gần đây, một phóng viên đã chụp được bức ảnh hiếm hoi về những con lừa hoang dã Tây Tạng gần hồ Donggetsona ở huyện Maduo, quận Guoluo, tỉnh Thanh Hải. Gần một trăm con lừa hoang dã Tây Tạng tụ tập với nhau và đôi khi phi nước đại trên đồng cỏ, tạo thành những cảnh tượng vô cùng ngoạn mục.
Lừa hoang Tây Tạng là loài lớn nhất trong số các loài lừa hoang ở Trung Quốc, đồng thời cũng là một loài động vật móng guốc cỡ lớn rất quý hiếm, chúng có nguồn gốc từ cao nguyên Thanh Hải- Tây Tạng và phân bố ở khu vực phía Tây Trung Quốc.
Là loài động vật có khả năng chịu nắng, gió, lạnh và hạn hán mạnh mẽ, chúng luôn được nhiều người đam mê phiêu lưu hoang dã coi là chuyên gia sinh tồn trong vương quốc động vật.
Hồ Donggetsona là một hồ nổi tiếng ở Thanh Hải và được người dân địa phương Tây Tạng coi là "Hồ thiêng".
Độ cao trung bình gần hồ Donggetsona là hơn 4.000 mét, xung quanh hồ là một thảo nguyên vô tận với các loài thực vật thủy sinh tươi tốt, hỗ trợ sự sống cho nhiều loài động vật khác nhau.
Lừa hoang Tây Tạng là loài khá nổi bật trên vùng đất này, chúng thích sống và kiếm ăn thành đàn có thể lên tới hàng trăm con.
Về ngoại hình, lừa hoang Tây Tạng giống với lừa hoang Mông Cổ, nhưng lừa hoang Tây Tạng có kích thước lớn hơn, khi trưởng thành có thể nặng 250-400 kg, vai cao trung bình 1,4 mét và chiều dài cơ thể là 1,8 mét.
Ngoài ra, khi so sánh với lừa hoang Mông Cổ thì chúng có đầu ngắn hơn, tai dài hơn, miệng đen và cùn. Lông trên lưng của lừa hoang Tây Tạng có màu nâu đỏ, lông ở bụng và các chi có màu trắng, nhưng không phải màu trắng tinh, hai màu tạo thành một đường phân chia rõ ràng ở bên cạnh.
Là một loài động vật họ ngựa, lừa hoang Tây Tạng cũng có bờm sẫm màu trên cổ, nhưng so với ngựa, bờm của lừa hoang Tây Tạng ngắn hơn và dựng.
Trong số các loài lừa, lừa hoang Tây Tạng có tư thế rất mạnh mẽ và oai phong, thân hình có cơ bắp cuồn cuộn, dù là thân mình, tứ chi hay móng guốc đều dày hơn hẳn lừa nhà, nên trong dân gian địa phương còn gọi là lừa hoang Tây Tạng là “ngựa hoang”.
Trên thực tế, để phân biệt lừa với ngựa khá đơn giản, cách đơn giản nhất là nhìn vào tai, đuôi và bờm. Tai lừa dài và tai ngựa nhỏ, đuôi lừa ngắn và đuôi ngựa dài; bờm lừa dựng đứng và bờm ngựa buông xuống.
Người ta thường dùng “tính khí lừa” để miêu tả tính khí bướng bỉnh của một người, còn tính khí của loài lừa hoang Tây Tạng thì lại nằm ở một đẳng cấp hoàn toàn khác - chúng cực kỳ hiếu thắng, những con lừa hoàng này thích chạy đua với các loài động vật khác, thậm chí là ô tô.
Khi mọi người lái ô tô đi ngang qua địa điểm của lừa hoang Tây Tạng, chúng sẽ nhìn chằm chằm vào chiếc xe, và khi chiếc xe đến gần hơn, những con lừa hoang Tây Tạng dường như bị khiêu khích, và cơn giận dữ của những con lừa sẽ nổi lên ngay lập tức, sau đó chúng sẽ đuổi theo những chiếc xe trong suốt chặng đường.
Khi những con lừa hoang Tây Tạng đuổi kịp chiếc xe, chúng sẽ không dừng lại, thay vào đó chúng sẽ tiếp tục chạy để vượt thật xa những chiếc ô tô mới chịu thôi.
Một số người sau khi biết thói quen này của lừa hoang Tây Tạng, thì sẽ thỉnh thoảng lái xe đến để khiêu khích chúng, kích động ham muốn chiến thắng của chúng, rồi đua với những con lừa hoang Tây Tạng với tốc độ tối đa.
Trên thực tế, cách làm này là sai, tuy rằng lừa hoang Tây Tạng nhanh nhẹn và có sức chịu đựng tốt nhưng dù sao nó cũng là một loài sinh vật. Việc cạnh tranh tốc độ cao lâu dài với lừa hoang Tây Tạng sẽ gây ra thiệt hại lớn cho cơ thể của chúng và có thể dẫn đến một số hậu quả bất lợi.
Lừa hoang Tây Tạng chủ yếu sống ở các vùng sa mạc núi cao có độ cao lớn, loại môi trường này tương đối khắc nghiệt nên lừa hoang Tây Tạng bẩm sinh đã phát triển khả năng sinh tồn mạnh mẽ.
Chúng có khả năng chịu đựng tương đối cao với môi trường khắc nghiệt, thậm chí ở một số nơi khô cằn như sa mạc, chúng có thể sử dụng trí tuệ sinh tồn của chính mình để tồn tại.
Lừa hoang Tây Tạng có một kỹ năng rất quan trọng, đó là chúng có thể tự đào lấy nguồn nước. Chiếc vó của chúng không chỉ chạy được mà còn có thể đào đất, đào giếng, chúng có thể đào những chiếc hố sâu vài mét để tìm nguồn nước.
Những vũng nước do lừa hoang Tây Tạng đào được những người chăn nuôi địa phương gọi là "giếng lừa". Giếng lừa không chỉ có thể giải quyết vấn đề nước uống cho chính chúng, mà còn cung cấp nước cho nhiều loài động vật khác. Vì vậy, ở một số vùng miền Tây, lừa hoang Tây Tạng đóng một vai trò rất quan trọng.
Lừa hoang Tây Tạng là loài động vật sống ở những vùng đất trống và môi trường chúng sống không có nơi trú ẩn. Hơn thế nữa, chúng thường là con mồi của sói tây bắc. Sói tây bắc cũng là loài săn mồi giỏi rượt đuổi, vì vậy những con lừa hoang chỉ có một cách để tránh bị bắt và bị giết, đó là chạy.
Chạy thực sự quan trọng đối với lừa hoang Tây Tạng và cả những loài động vật móng guốc trong môi trường sống như vậy, vì vậy các hoạt động hàng ngày của chúng, ngoài việc kiếm ăn, uống, nghỉ ngơi… thì việc chạy là một phần rất quan trọng.
Giống như cừu xanh, lừa hoang Tây Tạng có một tật rất xấu là tò mò, khi bị thiên địch đuổi theo, chúng sẽ chạy một đoạn nhất định, sau đó dừng lại và quay đầu nhìn lại xem kẻ săn mồi có bắt kịp không, và sau đó tiếp tục chạy.
Theo TTVN