Quần thể hổ hoang dã đang suy giảm ở tất cả các quốc gia có hổ tại Đông Nam Á. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
“Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ ở Đông Nam Á bằng việc tăng cường các giải pháp kiểm soát nạn buôn bán, tiêu thụ hổ bất hợp pháp,” đó là nhận định của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên toàn cầu (WWF) nhân Ngày quốc tế bảo tồn hổ 29/7.
Thông tới với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus sáng 30/7, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên toàn cầu (WWF) Việt Nam cho biết quần thể hổ hoang dã đang suy giảm ở tất cả các quốc gia có hổ tại Đông Nam Á và gần như chắc chắn ít hổ hơn so với năm 2010 - thời điểm đề ra mục tiêu tăng gấp đôi số cá thể hổ vào năm 2022.
Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự suy giảm của các cá thể hổ ở Đông Nam Á là do nạn săn trộm hổ để buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp; trong đó bẫy dây là mối đe dọa lớn nhất đối với loài hổ ở Đông Nam Á.
Theo WWF Việt Nam, ước tính có hơn chục triệu bẫy dây đang được giăng mắc khắp các khu bảo tồn tại Campuchia, Lào và Việt Nam - những quốc gia đã từ lâu không tìm thấy dấu hiệu hổ sinh sản trong tự nhiên.
Ông Stuart Chapman, người đứng đầu Sáng Kiến Tiger Alive của WWF khẳng định các quần thể hổ ở Đông Nam Á đã suy giảm tới mức báo động bất chấp những cam kết tăng quần thể hổ trên toàn cầu cách đây một thập kỷ.
Tuy vậy, vị chuyên gia của WWF cũng lưu ý rằng sẽ không quá muộn nếu các nước cùng hành động khẩn cấp để tăng cường nguồn lực và quản lý, phục hồi quần thể hổ trong tương lai gần.
“Là một quốc gia đang phát triển nhanh trong khu vực, Việt Nam có đủ khả năng và nguồn lực để giúp phục hồi quần thể hổ ở Đông Nam Á bằng việc chấm dứt buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp hổ ở trên đất nước mình cũng như loại bỏ các trang trại hổ hiện đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực giảm cầu đối với các sản phẩm từ hổ,” tiến sỹ Benjamin Rawson nói thêm.
Dẫn chứng từ việc các nước như Ấn Độ, Nepal và Nga đã áp dụng các biện pháp can thiệp đúng đắn, ông Stuart Chapman khẳng định số lượng hổ đã tăng gấp đôi trong một khoảng thời gian ngắn. “Chỉ cần đủ môi trường sống, bảo vệ khỏi nạn săn trộm, hổ có thể quay trở lại,” ông Stuart Chapman nhắn nhủ.
Thừa nhận dấu vết về hổ tại Việt Nam trong tự nhiên gần như không thấy, song bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng sinh học khẳng định Việt Nam vẫn đang và có thể đóng góp vào công cuộc khôi phục loài hổ ở Đông Nam Á thông qua các nỗ lực đang triển khai như bảo vệ và khôi phục các sinh cảnh và hệ thú mồi của hổ; chấm dứt việc nuôi nhốt hổ trái phép và giảm nhu cầu tiêu tiêu thụ các sản phẩm của hổ.
“Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức bảo tồn và mong đợi nhận được các đóng góp nhiều hơn nữa để giúp Việt Nam thực hiện được các cam kết ngắn hạn là trở thành nơi an toàn cho loài hổ trở lại, tiến tới thực hiện việc tái thả hổ về tự nhiên để tăng quần thể hổ ở Đông Dương,” bà Nhàn nói./.
Theo Hùng Võ/Vietnam+