Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng, Mặt Trời, Trái Đất nằm gần thẳng hàng với nhau, Mặt Trăng đi vào phía bóng tối của Trái Đất và chuyển dần sang màu đỏ.
Nguyệt thực một phần xảy ra vào rạng sáng ngày 17/7 là lần nguyệt thực thứ 2 trong năm nay và là lần nguyệt thực một phần duy nhất Việt Nam quan sát được trong năm nay. Trước đó, ngày 21/1/2019, nguyệt thực toàn phần xảy ra song Việt Nam không thể quan sát được.
Mời quý vị xem video: Ngắm nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ ở Việt Nam
Lần nguyệt thực vào rạng sáng Thứ Tư tuần tới sẽ kéo dài từ 1:43 đến 7:17. Tại Việt Nam có thể quan sát từ 1:43 cho đến 5:28 khi Mặt Trăng lặn. Cụ thể, từ 1:43 Mặt Trăng bắt đầu đi vào vùng bóng tối của Trái Đất, đến 3:01, nguyệt thực một phần bắt đầu, Mặt Trăng dần chuyển đỏ. Đến 04:30, nguyệt thực đạt cực đại, Mặt Trăng đỏ đậm.
Lần nguyệt thực này có thể quan sát ở một vùng rộng lớn gồm Châu Âu, Châu Phi, vùng trung tâm Châu Á và Ấn Độ Dương. Không giống như nhật thực phải quan sát qua dụng cụ chuyên dụng, nguyệt thực có thể quan sát bằng mắt thường. Người quan sát nên chọn nơi thoáng đãng, ít ánh sáng đèn và bụi. Lưu ý, xem dự báo thời tiết trước khi diễn ra sự kiện.
Theo Nguyễn Hoài/Tiền Phong