Các nhiếp ảnh gia tiết lộ họ bắt gặp loài chim quý này ở khu vực rừng đỗ quyên cành thô, cao trên 2700m. Tuy nhiên vị trí cụ thể được họ từ chối tiết lộ nhằm bảo vệ loài chim.
Sau khi xác nhận, được biết loài chim này là Gà lôi tía (Gà túi), tên khoa học là Tragopan temminckii (Gray, 1831), họ: Trĩ (Phasianidae), bộ: Gà (Galliformes). Gà lôi tía nổi tiếng đẹp bậc nhất Việt Nam nhờ bộ lông đầy màu sắc, chỉ cần nhìn thấy là ấn tượng không rời được mắt. Nó hiếm gặp đến mức được đưa vào Sách đỏ Việt Nam từ năm 1992, được phân hạng CR – Cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng.
|
Ảnh: Phạm Hồng Phương
|
Gà lôi tía đực khi trưởng thành đa phần có bộ lông màu đỏ lửa, đỏ nâu và lẫn đen. Trong khi đó, con đực khi còn non lại nhìn khá giống con cái, chỉ khác là kích thước lớn hơn một chút, trên đầu có màu đỏ lẫn đen. Gà lôi tía cái thường có lông không đẹp bằng con đực, nhưng cũng có mỏ đen, mắt nâu, chân màu hồng.
Vào tháng 4 hàng năm, gà lôi tía sẽ đẻ trứng. Mỗi lứa sẽ chỉ có 3-5 quả trứng hình bầu dục. 3 tháng sau đó, chim non chào đời, Loài này sống định cư theo đàn nhỏ, sâu trong rừng xanh. Chúng ưa thích làm tổ ở độ cao 900 – 2.700 m. Ban ngày gà lôi tía sẽ đi kiếm ăn ở mặt đất, ban đêm lại bay lên bụi cây ngủ. Thức ăn của chúng là các loại quả, hạt quả, côn trùng, giun đất.
Để bảo vệ loài chim quý hiếm này, các cơ quan chức năng đang cố gắng nâng cao ý thức cho người dân, đồng thời triệt để cấm săn bắt gà lôi tía. Tất cả mọi nỗ lực đều nhằm mục đích giữ lại gà lôi tía, không để chúng tuyệt chủng trong tiếc nuối.
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo