Từ “thần đồng Bình Định” tới GS đầu ngành Vật lý
GS Cao Chi sinh ngày 25/4/1931 tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, tuy nhiên, phần lớn thời niên thiếu ông học ở Trường quốc học Võ Tánh, Bình Định và Sông Cầu (Phú Yên). Thời cắp sách, Cao Chi nổi tiếng học giỏi, có biệt danh là “thần đồng Bình Định”. Ông cũng nổi tiếng là người có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, là một nhà vật lý nhưng lại có chất nghệ sĩ với tài năng văn chương. Điều này có lẽ xuất phát từ vùng đất thơ mộng nơi ông sống thời niên thiếu và bầu không khí đậm đặc “chất văn chương” - khi những đàn anh học ở trường Võ Tánh là những tên tuổi nổi tiếng trên văn đàn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan…
|
GS Cao Chi. Ảnh: Thanh Nhàn (Vinatom). |
Sau năm 1954, ông tập kết ra Bắc và ở trong thế hệ học sinh Việt Nam đầu tiên đi đào tạo tại Liên Xô (cũ). Mới đầu, ông đi học ngành thủy điện, nhưng rồi, ông lại trở thành sinh viên khoa Vật lý mà sau này, như ông nói là “số phận” của ông.
Con đường theo đuổi Vật lý lý thuyết của GS Cao Chi bắt đầu tại trường Đại học tổng hợp Lomonosov, với những bài giảng của nhà vật lý vĩ đại Lev Landau (Nobel 1962).
Sau khi tốt nghiệp hạng xuất sắc, GS Cao Chi về nước dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau đó, ông được đích thân Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cử sang Viện Liên hiệp nghiên cứu Hạt nhân Dubna, Liên Xô (cũ). Nhiệm vụ ông được giao nhất thiết phải theo kịp trình độ khoa học tiên tiến, trong một lĩnh vực tiên tiến, từ đó tìm ra cách đưa nền khoa học Việt Nam tiến lên toàn diện. Cùng sang với ông lúc bấy giờ, có các tên tuổi mà sau này đều trở thành nhà khoa học đầu ngành, là GS.VS Đào Vọng Đức, cố GS Nguyễn Đình Tứ, cố GS.VS Nguyễn Văn Hiệu…
Làm việc tại Phòng thí nghiệm lý thuyết của Bogoliubov (nhà Toán học và Vật lý lý thuyết từng được huy chương Dirac, với nhiều công trình nổi tiếng về lý thuyết trường lượng tử, cơ học thống kê lượng tử), GS Cao Chi nghiên cứu chủ yếu về lý thuyết đối xứng các hạt cơ bản, lý thuyết trường chuẩn (các trường Yang-Mills). Hướng đi sau này sẽ dẫn tới mô hình chuẩn, lý thuyết thành công nhất của Vật lý hiện đại thống nhất được ba trong bốn lực của tự nhiên là lực điện từ, lực hạt nhân yếu và lực hạt nhân mạnh, và có nhiều tiên đoán phù hợp với thực nghiệm.
Năm 1968, GS Cao Chi chuyển về Viện Nghiên cứu Nguyên tử quốc gia (sau đổi tên là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ) và là một trong những người dẫn dắt dự án điện hạt nhân. Ông là chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu cấp Nhà nước KC09-17, "Nghiên cứu chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật hạt nhân và năng lượng hạt nhân ở Việt Nam", giai đoạn 1992-1994. Ông cũng phụ trách các nghiên cứu ứng dụng phi năng lượng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội như y tế, công nghiệp, kiểm tra không phá hủy... và phát triển điện hạt nhân.
Ghi nhận những đóng góp lớn lao của ông, một chuyên gia đầu ngành về Vật lý lý thuyết của Việt Nam, ông được Nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến hạng 1, Huân chương kháng chiến hạng 3 cùng huy chương Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ.
Nhà vật lý với tâm hồn nghệ sỹ, khám phá vẻ đẹp vũ trụ
Chặng đường hơn 60 năm làm nghiên cứu, GS Cao Chi ghi dấu ấn với nhiều nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực lý thuyết trường, sắc động học lượng tử, lý thuyết hấp dẫn… Một điều ấn tượng ở ông, là ông được biết tới là một nhà vật lý có tâm hồn nghệ sĩ, một người đã “tìm thấy sự liên hệ mật thiết giữa nghệ thuật và khoa học thông qua cái đẹp” như ông từng chia sẻ.
Trên Tạp chí Nghệ Thuật số 5-1983, GS Cao Chi có một bài viết gây chú ý: “Đối xứng, sự phá vỡ đối xứng và nguyên lý của cái đẹp”. GS Cao Chi đã nghiên cứu về đối xứng và biến điệu trong văn chương, đối xứng trong âm nhạc, trong hội họa, kiến trúc và trong phim ảnh. Từ đó, đi tới kết luận rằng: trên nền một đối xứng cơ sở, vi phạm đối xứng là một quy luật của tự nhiên. Đó là nguồn gốc của cái đẹp, là sự thống nhất giữa khoa học vật lý và nghệ thuật.
|
Sách Vũ trụ đột sinh: Bức tranh toàn cảnh về vật lý hiện đại. Ảnh: M.H. |
Với độc giả đại chúng , GS Cao Chi được biết tới ở tư cách là đồng dịch giả cuốn sách Vật lý bán chạy nhất mọi thời đại - Lược sử thời gian của Stephen Hawking. Năm 2022, ở tuổi 91, GS Cao Chi đã cho ra mắt cuốn "Vũ trụ đột sinh - Bức tranh toàn cảnh về Vật lý hiện đại".
“Vũ trụ đột sinh” đã tổng hợp kiến thức từ bộ sách 6 tập Vật lý hiện đại đã xuất bản trước đó của ông. Sách gồm có các phần: Hấp dẫn và vũ trụ; Các lỗ đen; Các hạt cơ bản; Cơ học lượng tử; Hạt nhân; Môi trường đông đặc; Một số vấn đề toán; Các lý thuyết thống nhất. Ngoài ra, cuối sách còn có phần phụ lục bàn về Chủ nghĩa hiện sinh và Phân tâm học.
Cuốn sách của ông tập hợp những câu chuyện hấp dẫn nhất của Vật lý hiện đại: những nỗ lực thống nhất Lý thuyết lượng tử và Lý thuyết hấp dẫn, về Vũ trụ lượng tử, Vũ trụ toàn ảnh, về Vật chất tối và Năng lượng tối, về Lỗ đen, Lỗ trắng và bức xạ Hawking... Đồng thời cuốn sách cũng đề cập nhiều khái niệm trừu tượng của Toán học như Lý thuyết tai biến, Topo của Vũ trụ, Số kỳ lạ p-adic, hay định luật bất toàn của Godel, về quá trình tiến hóa sinh học hay thậm chí khái niệm về đối xứng và phá vỡ đối xứng trong nghệ thuật...
Tác giả chia sẻ, cuốn sách "giúp bạn đọc liên hệ và cảm nhận điều đẹp đẽ của những nguyên lý vận hành vũ trụ, nơi chúng ta đang sinh sống, tìm tòi, sáng tạo, tư duy và chiêm nghiệm".
Ông Phạm Văn Thiều, Tổng biên tập tạp chí Vật lý và tuổi trẻ đánh giá, có thể coi "Vũ trụ đột sinh" như một cuốn từ điển để tra cứu gần như bất kỳ vấn đề gì của Vật lý hiện đại.
GS Cao Chi trong con mắt của đồng nghiệp, người thân và học trò là người có bóng dáng một triết gia hay người hiền, như cách gọi trong văn hóa phương Đông. Họ học được ở ông cách ứng xử nhẹ nhàng với thời cuộc. Ông Phạm Văn Thiều nhận xét GS Cao Chi không chỉ là một nhà nghiên cứu sắc sảo, ông còn là một nhà sư phạm lỗi lạc, với “nghệ thuật giảng dạy gắn với tinh thần nghệ sĩ mang lại sức hấp dẫn cho người nghe". Theo thông tin từ gia đình, GS Cao Chi qua đời ngày 30/8 ở tuổi 93 sau một thời gian tuổi già, sức yếu, chống chọi với bệnh thận, tiểu đường.
Mai Nguyễn