Vinh dự, tự hào khi được tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu

Google News

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã bày tỏ niềm vinh dự, xúc động khi được tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024.

Sáng 28/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (TP Hà Nội), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam long trọng tổ chức Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu năm 2024.
Gửi lời cảm ơn chân thành tới bà con nông dân
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị TrâmChủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, bà cảm thấy rất vinh dự, xúc động khi được tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024. Trong lời cảm ơn, bà nhắc tới bà con nông dân - những người đã gắn bó với sự nghiệp của bà với sự trân trọng.
“Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến bà con nông dân ở nhiều vùng của Tổ quốc đã mạnh dạn ứng dụng những kết quả nghiên cứu của chúng tôi”, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm xúc động.
Vinh du, tu hao khi duoc ton vinh tri thuc KH&CN tieu bieu
  PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm dành cả cuộc đời gắn bó với cây lúa, với nhà nông. Ảnh: mai Loan.

PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm sinh ngày 14/3/1944 tại Thôn Đan Tiến, xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Bà là nhà giáo, nhà nông học chọn tạo giống lúa lai nổi tiếng của Việt Nam. Cả cuộc đời gắn với cây lúa, với nhà nông, bà đã góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam khi cho ra đời hàng loạt giống lúa mới, chất lượng cao, giàu giá trị kinh tế.
Thành tựu nổi bật của PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm là đã nghiên cứu chọn tạo và phát triển thành công giống lúa lai hai dòng TH3-3, một giống lúa lai cho năng suất khá cao, từ 6-7 tấn/ha, có nơi đạt trên 8 tấn/ha, với thời gian sinh trưởng ngắn (105-115 ngày/vụ mùa; 115-125 ngày/vụ xuân), thích hợp với trồng trên đất ba vụ (hai vụ lúa, một vụ màu).
Tại thời điểm được công bố, lúa lai hai dòng TH3-3 là giống lúa gốc Việt phù hợp với túi tiền của người nông dân vì được sản xuất hoàn toàn trong nước. Giống lúa này còn có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, thân cây cứng và không cao nên ít bị đổ do gió bão. Ngoài ra, còn thích hợp với nhiều vùng khí hậu khác nhau, chất lượng gạo thơm ngon và kháng được nhiều loại bệnh.
Ngay sau khi được đưa tới tay người nông dân, giống lúa này đã được nhân rộng tới 60% diện tích sản xuất lúa lai trong cả nước, mở ra nhiều vùng sản xuất hạt giống lai rộng lớn, từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng, miền Trung và Tây Nguyên. Hàng vạn lao động nông nghiệp có tay nghề cao đã được tạo công việc và tăng thu nhập từ giống lúa này.
Năm 2008, PGS.TS.AHLĐ Nguyễn Thị Trâm đã tạo nên sự đột phá, khích lệ rất lớn đối với ngành khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giống khi chuyển nhượng giống lúa lai hai dòng TH3-3 với giá 10 tỉ đồng cho Công ty TNHH Cường Tân.
Với những cống hiến của mình, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã giành nhiều giải thưởng danh giá, như Huân chương Lao động hạng Ba năm 2001, Giải thưởng Kovalepskaia năm 2001; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (giải tập thể) năm 2005; Danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2009; Danh hiệu “Nhà khoa học của Nhà nông” tôn vinh lần 2 năm 2019; Cúp vàng Nông nghiệp Việt Nam cho giống lúa TH3-3 năm 2008…
“Tôi ước mong các nhà nghiên cứu trẻ được giành hết thời gian cho học tập nâng cao trình độ, cập nhật những kiến thức mới nhất, hiện đại nhất, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu thành thạo nhất để có thể thực hành tốt hơn các nghiên cứu hiện đại, đưa nền khoa học nông nghiệp nước nhà hội nhập với thế giới”, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm bày tỏ.
Niềm vinh dự, động viên, khích lệ rất lớn
Trò chuyện với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), chủ nhân giải Tạ Quang Bửu năm 2024 chia sẻ: “Hôm nay là ngày rất đặc biệt, tôi rất vui và hạnh phúc khi nhận danh hiệu Tri thức khoa học và công nghệ tiêu biểu do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng. Đây là niềm vinh dự rất lớn, động viên, khích lệ để tôi tiếp tục cống hiến cho công việc, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học".
Vinh du, tu hao khi duoc ton vinh tri thuc KH&CN tieu bieu-Hinh-2
 PGS.TS Trần Mạnh Trí tại Lễ Vinh danh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2024. Ảnh: Mai Loan.
PGS.TS Trần Mạnh Trí được vinh danh bởi những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy.
Đến nay, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã chủ trì thành công 2 đề tài cấp Nhà nước do Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ nghiệm thu xếp loại đạt. Chủ trì thành công 1 đề tài nghiên cứu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Trong 10 năm qua, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã công bố 35 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI (cá nhân là tác giải chính của 20/35 bài báo và phần lớn các bài báo trên các tạp chí có chỉ số tương tác IF>5,0), 35 bài báo trên các tạp chí trong nước, 2 chương sách của nhà xuất bản thuộc Hội hóa học Hoa Kỳ và 1 giáo trình.
PGS.TS Trần Mạnh Trí là một nhà giáo tận tâm với nghề, được các sinh viên yêu quý. Ông đã hướng dẫn thành công 3 tiến sĩ, 17 thạc sĩ và hơn 50 sinh viên bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp. Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt nhiều thành tích cao.
Với những cống hiến, PGS.TS Trần Mạnh Trí đã giành nhiều giải thưởng, như Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tại Hội nghị Hóa học lưu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2015; Giải thưởng Đại học Quốc gia về Khoa học và Công nghệ năm 2021; Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2023… Đặc biệt, năm 2024, PGS.TS Trần Mạnh Trí là một trong 2 nhà khoa học được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu danh giá với cụm 3 công trình.
3 cụm công trình này được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới trong các ngành: kỹ thuật môi trường, độc học, sức khỏe và đột biến gen, góp phần giải quyết vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu là ô nhiễm môi trường do sự phát tán của các hóa chất tổng hợp.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, từng có ý định chỉ học hết cấp 3, cho đến lúc trở thành giảng viên, rồi gặt hái được những thành quả đến giờ phút này, với PGS.TS Trần Mạnh Trí, đó là một hành trình kỳ diệu.
“Với cá nhân tôi, chìa khóa cho những thành quả hôm nay, tôi cho rằng là sự quyết tâm. Tôi luôn đặt ý chí, quyết tâm, nghị lực ở trạng thái cao nhất để vượt qua thử thách, không ngại khó khăn, thất bại, bởi tôi cho rằng, có thất bại mới có thành công. Với thí nghiệm làm sai thì rút ra những bài học bổ ích”, PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ vinh danh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các trí thức tiêu biểu được vinh danh hôm nay là những tấm gương lan tỏa, truyền cảm hứng trong xã hội, xứng đáng với niềm tin, hy vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

 
00:0000:0000:00
00:00

Mời quý độc giả xem video: PGS.TS Trần Mạnh Trí, Trưởng Bộ môn Hóa học hữu cơ - Khoa Hoá học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ về cụm công trình được trao giải Tạ Quang Bửu năm 2024. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.



Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)